Gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm ở Hà Nội

Thế Đoàn|27/10/2021 02:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chai lọ nhựa, giấy bìa bỏ đi được đổi thành những mớ rau xanh, củ cà rốt tươi ngon, an toàn. Hoạt động này vẫn thường xuyên diễn ra tại các gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm giữa trung tâm Hà Nội.

XEM VIDEO: Gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm ở Hà Nội

Nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập gian hàng lưu động bình ổn giá phục vụ người dân.

Ngoài việc bán rau củ, hoa quả, thịt cá… phục vụ nhu cầu khách hàng, các cửa hàng này còn triển khai mô hình đổi phế liệu vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn… để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại rác cũng như nông sản đều được niêm yết công khai.

Gian hàng lưu động kết hợp thu gom phế liệu đổi lấy thực phẩm

Tại cửa hàng, mỗi kg bìa carton, túi nilon được mua lại giá 3.000 đồng, một kg nhựa tái chế, sắt vụn giá lần lượt 3.500 đồng đến 9.000 đồng, vỏ chai nhựa được mua với giá 200 đồng. Tất cả phế liệu đều được người dân phân loại trước ở nhà. Mang đến cửa hàng được phân loại thêm lần nữa rồi đóng bao, cuối ngày có xe đến thu gom.

Bà Trần Kim Dung (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) cho biết: “Dịch bệnh thì ai cũng khó khăn rồi, khi biết có gian hàng này tôi mang đồng nát ra đổi lấy rau. Nói chung gian hàng ở đây rất thuận tiện, giá cả phù hợp nếu ra chợ thì đông và giá rau mấy ngày nay cũng cao”.

Những vỏ lon, chai nhựa, xoong nồi hỏng sau khi mang đến cửa hàng được cân, đếm rồi quy đổi thành phiếu tương ứng số tiền. Các phiếu này có thể dùng để thanh toán thay tiền mặt khi người dân mua thực phẩm.

Nhiều người dân, người lao động phấn khởi mang phế liệu đến đổi rau xanh

Mỗi ngày, một gian hàng thu mua trung bình từ 100 đến 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200kg. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như thực phẩm đều được niêm yết công khai theo đúng quy định. Các đối tượng khách hàng  không chỉ là những người dân sinh sống quanh khu vực mà rất nhiều người lao động tự do ở xa, công nhân môi trường cũng mang phế liệu đến đây để đổi lấy thực phẩm.

Ông Trần Ngọc Tuấn, phụ trách gian hàng cho biết: “Ý tưởng đổi phế liệu lấy thực phẩm bắt nguồn từ tháng 8 khi hai phường Văn Chương, Văn Miếu bị phong tỏa do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Khi đến cung ứng thực phẩm cho người dân vùng cách ly, nhận thấy những vỏ hộp, bìa carton mọi người đặt hàng mang từ ngoài vào vứt đầy đường, các công ty khi đó quyết định thực hiện thu gom. Mục đích là nông dân vừa tiêu thụ được nông sản mà nhân dân thì tận dụng được các loại phế liệu, vỏ lon để lấy được thực phẩm. Đây là hoạt động để tuyên truyền mọi người bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp”.

Các đoàn viên thanh niên hỗ trợ phân loại phế liệu, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 20 gian hàng, với đầy đủ loại thực phẩm thiết yếu. Không chỉ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường mà còn chung tay giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thời gian tới doanh nghiệp cũng sẽ triển khai các hoạt động ý nghĩa khác như đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc.

Thế Đoàn

Bài liên quan
  • “Chợ lưu động” trong trường học phục vụ người dân
    Moitruong.net.vn – Nhằm đảm bảo cung cấp các thực phẩm thiết yếu cho người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh, nhiều quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai mô hình chợ lưu động tại các trường học trong thời gian giãn cách xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm ở Hà Nội