Theo báo cáo, cả nước hiện có khoảng hơn 4.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như hệ thống nước thải. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có gần 2 nghìn làng nghề truyền thống thì có tới gần 80% làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho thấy, gần 79% làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của các người dân tại làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Đáng lo ngại nhất là tỉ lệ người mắc bệnh ung thư, thần kinh lại rất phổ biến tại các làng nghề kim loại. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự phát thải khí độc, nhiệt cao và bụi kim loại từ các cơ sở sản xuất. Thống kê cho thấy tại các làng sản xuất kim loại, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do quá nhiều tồn tại chưa được khắc phục trong suốt thời gian qua. Nổi bật trong số các tồn tại là vấn đề chức năng nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường làng nghề chưa rõ ràng; thiếu các quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề; quy hoạch không gắn với bảo vệ môi trường làng nghề, dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng.