Hà Nội cần làm gì sau nới lỏng giãn cách để tránh bùng dịch?

Minh Thư|22/09/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Lãnh đạo Hà Nội bày tỏ lo ngại người dân sau thời gian dài phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội sẽ như chiếc “lò xo nén”, khi nới lỏng dễ chủ quan, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hà Nội có thể tiếp tục phát sinh ổ dịch mới. Để Thành phố thích ứng an toàn với dịch COVID-19, người dân và ngành y tế cùng nâng cao năng lực để có thể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

Hà Nội có thể tiếp tục phát sinh ổ dịch mới

Vài ngày gần đây, các ca bệnh mới được phát hiện, nhất là các ca cộng đồng trên địa bàn Thành phố có chiều hướng giảm. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng đánh giá, Hà Nội đã thành công khi khống chế không để dịch bùng phát. Các chùm ca bệnh cũng đã được khoanh vùng trong diện hẹp.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để khống chế được triệt để 100% F0 ra khỏi cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 được (zero COVID). Ổ dịch ở phường Việt Hưng là một ví dụ.

“Với dịch bệnh, Hà Nội xác định không thể nói trước được điều gì, vì Thành phố vẫn còn nguy cơ. Vẫn còn F0 ngoài cộng đồng, do xét nghiệm 2-3 ngày/lần phát hiện ra. Chúng ta phải chung sống một cách chủ động, an toàn với COVID-19”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói tại cuộc họp báo vài giờ trước khi Hà Nội nới lỏng giãn cách.

Không thể nói trong thời gian giãn cách đã hết hẳn ca bệnh tại cộng đồng. Hơn nữa, dù Hà Nội đã bố trí các chốt kiểm soát, cách ly tập trung những trường hợp đi từ nơi có dịch về nhưng cũng không thể bảo đảm kiểm soát hết 100%. Do đó, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra. “Trong thời gian tới, Thành phố vẫn có thể phát hiện những chùm ca bệnh mới” – PGS Phu nhận định.

Đường phố Hà Nội đông “nghẹt thở” ngày đầu nới lỏng giãn cách (Ảnh: TTXVN)

Không chủ quan, lơ là, cẩn trọng cao độ, bảo vệ từng “vùng xanh”

Để giữ vững thành quả đã đạt được, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, PGS Phu cho rằng càng phải cẩn trọng cao độ. Nếu chúng ta chủ quan, đặc biệt là không kiểm soát tốt người đi từ vùng dịch về, nguy cơ dịch sẽ tái diễn.

Các địa phương cần tiếp tục tập trung bảo vệ khu vực an toàn, tăng cường giám sát và tiến hành xét nghiệm toàn bộ người ho, sốt hay có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh… Các đối tượng có nguy cơ cao như: Lái xe, người tham gia vào chuỗi cung ứng, người tiếp xúc nhiều… cần tiếp tục phải xét nghiệm.

“Nếu phát hiện ổ dịch cần truy vết mạnh, nhanh rồi tiến hành xét nghiệm và đánh giá nguy cơ, phong tỏa ở mức hẹp nhất, chặt nhất để không ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội”, PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch đối với Thủ đô trong thời gian tới.

Bảo vệ và giữ chặt “vùng xanh” từ phạm vi hẹp nhất (từng gia đình, từng ngõ, từng tổ dân phố…), PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, mỗi ngành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần phải xây dựng phương án rất cụ thể để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch bùng phát.

Mục tiêu 2 mũi vaccine cho người dân là rất quan trọng

Đến nay, hơn 94% người trên 18 tuổi ở Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine, tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thể về bình thường mới vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Theo chuyên gia Trần Đắc Phu, mục tiêu sớm bao phủ mũi 2 cho người dân đủ điều kiện ở Hà Nội rất quan trọng, cần phải làm.

Mỗi người dân phải tự ý thức và phải tự cảnh giác cao độ với dịch bệnh. “Bên cạnh những người có ý thức tốt sẽ có những người có ý thức không tốt, lơ là, chủ quan với các biện pháp phòng dịch. Những người có ý thức không tốt khi trở thành F0 thì có thể lây ra cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh nếu không kiểm soát được lại phải giãn cách lại từ đầu.

Nâng cao ý thức tự giác phòng dịch của người dân và các tổ chức, đơn vị

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà một lần nữa đưa ra khuyến cáo người dân, kể cả những người đã tiêm vaccine, tiếp tục thực hiện thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc.

Khi có biểu hiện, triệu chứng nghi nhiễm bệnh, người dân cần chủ động khai báo y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời. Cùng với đó, khi phát hiện những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng.

Phong tỏa diện hẹp, đảm bảo phòng bệnh và phát triển kinh tế

Phong tỏa ở phạm vi hẹp

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn, để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất đó là dịch bùng phát cần nâng cao hơn năng lực y tế cơ sở trong việc cách ly người bệnh, hướng dẫn theo dõi người bệnh. Về phía ngành y tế khi đó cũng cần thay đổi việc cách ly tập trung và điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện.

Việc này cần triển khai sớm để người dân nâng cao hiểu biết về dịch, bệnh viện tập trung lo cứu chữa trường hợp nặng. Có như vậy tỉ lệ tử vong sẽ thấp đi. Về lâu dài, nếu đưa F1 đi cách ly tập trung không đúng mục tiêu thích ứng an toàn với COVID-19, không phát huy được vai trò của người dân và gia đình trong việc phòng bệnh, chăm sóc người bệnh.

Cũng theo ông Hùng, nếu kết hợp cả 2 biện pháp trên sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong vì COVID-19 xuống mức thấp nhất.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất, phong tỏa, giãn cách theo ổ dịch, không giãn cách theo địa giới hành chính. Bởi lẽ việc giãn cách theo địa giới hành chính là biện pháp vừa chặt vừa lỏng mà không hiệu quả trong thời gian này.

Đối với các ổ dịch tại khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng cần khoanh vùng đúng và trúng ổ dịch, tránh khoanh rộng. “Trong khu vực này, ngành y tế quét sạch F0 nhiều vòng, mỗi vòng trong vòng 48h. Việc bóc tách F0 cần linh động, bóc tách ngay tại nhà, đưa F0 đến khu cách ly tập trung”, ông Nhung thông tin.

Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá, thời gian tới tại Hà Nội có thể vẫn còn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, kể cả gỡ bỏ giãn cách thì đâu đó có thể ghi nhận ổ dịch mới. Chính vì vậy, khi nới lỏng giãn cách chúng ta vẫn phải kiểm soát. Đặc biệt đưa công nghệ khoa học vào việc quản lý, giám sát lịch trình, tình trạng sức khoẻ của người dân để giảm bớt thủ tục rườm rà. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định không tụ tập đông người, người dân đi lại, giao tiếp vẫn giữ khoảng cách an toàn.

“Việc xuất hiện ca nhiễm có thể do chưa loại bỏ hết những ca dương tính không triệu chứng trong cộng đồng. Thứ hai, việc giao thoa đi lại nhất là những người từ vùng dịch về Hà Nội… Việc xuất hiện những ổ dịch trong thời gian dỡ bỏ giãn cách không có gì lạ” – ông Hùng phân tích.

Minh Thư

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội cần làm gì sau nới lỏng giãn cách để tránh bùng dịch?