Năm 2019, thành phố Hà Nội đón 28.945.000 lượt khách, tăng 10% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 7.025.000 lượt, tăng 17% so với năm trước. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp là những quốc gia có lượng khách đến Hà Nội ở top đầu. Khách du lịch nội địa đạt 21.920.000 lượt khách, tăng 8% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.812 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018.
Năm 2019 cũng là năm đánh dấu nhiều thành tích quốc tế của du lịch Hà Nội như: đứng thứ 15 trong top 25 điểm đến tốt nhất thế giới 2019 do độc giả bình chọn trên trang TripAdvisor, 1 trong những điểm du lịch rẻ nhất do trang web “Price of Travel” bình chọn, quảng bá trên kênh truyền hình CNN của Mỹ… Bên cạnh những thành tích mà ngành du lịch Thủ đô đạt được trong năm 2019 vẫn còn những hạn chế như kết quả tăng trưởng đạt được chưa bền vững, đóng góp vào GDP của thành phố còn chưa tương xứng.
Ảnh minh họa
Chính vì thế, để ngành du lịch Hà Nội có những bước đi bền vững cần khai thác hiệu quả lợi thế mà mình có được.
Cần tập trung vào một số nội dung, cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch. Thực hiện hiệu quả chương trình Quảng bá Du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN năm 2020. Tập trung triển khai đề án du lịch thông minh khi được thành phố phê duyệt và tổ chức phát triển các điểm cung ứng dịch vụ wifi miễn phí tại các điểm du lịch trên địa bàn TP. Xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử của Sở có tính ứng dụng cao, thiết thực và hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong công tác phát triển sản phẩm du lịch;
Tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội với các tỉnh, TP trong cả nước; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm và thị trường khách mới; chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hà Nội để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội.
Năm 2020, Sở Du lịch cần chú trọng khẳng định vai trò cơ quan quản lý nhà nước trong việc kết nối hoạt động với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, TP; kết nối với các địa phương, đơn vị của TP; kết nối với các doanh nghiệp để góp phần giữ vững hình ảnh du lịch Thủ đô. Tập trung vào việc tổ chức các hoạt động chiều sâu như: Xây dựng sản phẩm và chất lượng sản phẩm du lịch chất lượng cao và chuỗi dịch vụ đi theo từng thị trường khách thật đồng bộ và hoàn chỉnh.
Chủ trì liên kết các doanh nghiệp du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến hoạt động du lịch; các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; các hãng hàng không, cơ quan truyền thông, hãng lữ hành; thông qua việc tham gia và tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế để giới thiệu, quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch. Xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới; tuyến, tour du lịch Hà Nội với các địa phương trong nước và các tuyến, tour du lịch trong Hà Nội.
Quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Tích cực, chủ động phối hợp các lực lượng liên ngành để phát triển du lịch, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Trong năm 2020, du lịch Hà Nội hướng tới đạt 31,88 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với thực hiện năm 2019, trong đó gồm 8,21 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% và 23,67 triệu lượt khách nội địa, tăng 8%. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 65% đến 68%. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch khoảng 90.500 người làm trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về du lịch, tăng 10% so với số ước thực hiện năm 2019.
Minh Anh (t/h)