Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, hiện nay mật độ cây xanh ở các khu đô thị Hà Nội còn khá thấp so với yêu cầu, ảnh hưởng tới môi trường. Trong năm 2021, có thời điểm ô nhiễm không khí ở Hà Nội đạt đến ngưỡng báo động.
Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hà Nội đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường. Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới từ 200.000 – 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị thành phố; 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung từ 50 – 80ha rừng; chăm sóc 3.546 ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Ảnh minh họa
Trong kế hoạch mới đây, UBND thành phố yêu cầu, việc tổ chức Tết trồng cây đầu xuân phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, nhằm tuyên truyền, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; bảo đảm thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Để tính tới bài toán phát triển không gian xanh lâu dài cho thành phố, Hà Nội cần tiếp tục có những hành động cụ thể, quyết liệt trong công tác quy hoạch, quản lý không gian xanh. Đồng thời, sớm đưa ứng dụng quản lý cây xanh bằng phần mềm vào hoạt động để việc phát triển cây xanh trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn.
Về việc tăng tỷ lệ không gian xanh cho thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đang yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh bổ sung hàng năm tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, hệ thống giao thông ngoài đô thị nhằm tăng tỷ lệ bao phủ cây xanh tại các quận nội đô. Cùng với việc trồng cây xanh đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội còn định hướng trồng cây cảnh tại các tuyến đường giao thông, vừa giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, vừa nâng cao mỹ quan đô thị.
Hà Anh