Nhằm xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các ngành tập trung kiểm tra và có giải pháp khắc phục hạn chế thấp nhất gây ô nhiễm môi trường.
Hà Nội yêu cầu tăng cường tuyên truyền vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, rác thải, phế phẩm nông nghiệp. (Ảnh Đinh Luyện)
Các chỉ số đánh giá chất lượng không khí phải được cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin điện tử Thành phố, Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để mọi người dân, các cơ quan được biết để phòng tránh, có giải pháp giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí. Sở có trách nhiệm chủ trì kiểm tra, đôn đốc thay thế việc dùng than tổ ong làm nhiên liệu để phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, việc đốt rơm, rạ… và các biện pháp kiên quyết để xử lý, thực hiện.
Tại văn bản số 2597/UBND-ĐT UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật đầy đủ, chính xác chỉ số đánh giá chất lượng không khí tại các điểm, các trạm quan trắc ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố tại Cổng thông tin điện tử Thành phố, Trang thông tin điện tử của Sở để mọi người dân, các cơ quan được biết để phòng tránh, có giải pháp giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí; chủ trì kiểm tra, đôn đốc thay thế việc dùng than tổ ong làm nhiên liệu để phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, việc đốt rơm, rạ… và các biện pháp kiên quyết để xử lý, thực hiện.
Giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường đối với việc che chắn khu vực thi công, cầu rửa xe khi ra vào công trường nhằm giảm tối đa lượng bụi phát sinh đối với tất cả công trường đang thi công nhất là trong khu vực nội thành. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, địa điểm sản xuất gạch trên địa bàn. Việc sửa chữa, cải tạo đường và các hệ thống công trình ngầm ở các đường phố. Chỉ đạo duy trì công tác vệ sinh môi trường: tăng cường phun nước rửa đường vào các ngày nắng hanh khô, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các bãi chôn lấp rác thải và bãi chứa phế thải xây dựng.
Giao Sở Giao thông Vận tải phân luồng, cấp phép lưu hành vận chuyển phế thải xây dựng đảm bảo về thời gian, lộ trình và các yêu cầu kiểm định về tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn giao thông; xử lý nghiêm các phương tiện chở chất thải rắn không che chắn gây rơi vãi, bụi trong quá trình vận chuyển; tuyệt đối không cho phép lưu hành các phương tiện giao thông không còn thời gian lưu hành, không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm về khí thải.
Sở Nông nghiệp và PTNT nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học (biogas), ứng dụng đệm lót sinh học, công nghệ ủ phân sinh học trong chăn nuôi nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nằm xen kẽ khu vực dân cư.
Giao Sở Y tế khuyến cáo người dân về những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang hợp chuẩn (có thể hạn chế được bùi PM2,5); nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân sinh sống trên địa bàn để kịp thời khuyến cáo phòng tránh trong sinh hoạt và tham gia giao thông.
Hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh minh họa
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường không khí; vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, rác thải, phế phẩm nông nghiệp; không sử dụng bếp than tổ ong và đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường không khí.
Tú An (T/h)