Sự phát triển hạ tầng giao thông và tốc độ xây dựng nhà ở, tăng trưởng phương tiện giao thông trên địa bàn Thủ đô, khiến các công trình hạ tầng vừa xây xong đã lâm vào tình trạng quá tải, lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của số dân và phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi quỹ đất để mở đường thì có hạn.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là thành phố cần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp có tính chất căn cơ nhằm giảm ùn tắc giao thông như ưu tiên phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô, tiến hành di chuyển các trường đại học, cơ sở sản xuất, phát triển các đô thị vệ tinh… Nếu không, Hà Nội khó có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn: tốn kinh phí xây dựng đường, sau đó lại phải chi thêm kinh phí để mở rộng đường, chống ùn tắc giao thông như hiện nay.
Ảnh minh họa
Từ đó, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt Nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư, nổi bật là phát triển kết cấu hạ tầng khung đã có bước phát triển mạnh, từng bước kết nối đồng bộ giữa các địa phương với nhau.
Cụ thể, thành phố đã hoàn thành các tuyến đường: vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu); vành đai 2 (đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy); một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 (Nguyễn Văn Huyên; Trung Kính; Hoàng Đạo Thúy; Kim Đồng-Đền Lừ); vành đai 3,5 (đoạn Lê Trọng Tấn-Hà Đông và đoạn Phúc La-Văn Phú); đường 5 kéo dài; tuyến xe buýt nhanh BRT (Kim Mã-Yên Nghĩa); nhóm các công trình cầu vượt thép trên các tuyến đường trục chính quan trọng; nhiều công trình hạ tầng giao thông khác trên địa bàn.
Bên cạnh các công trình giao thông do Hà Nội làm chủ đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã hoàn thành 6 tuyến cao tốc; vành đai 5 (cầu Vĩnh Thịnh và đường dẫn hai đầu cầu); vành đai 3 (tuyến trên cao đoạn Mai Dịch-Pháp Vân; Cầu Thanh trì và đường hai đầu cầu); vành đai 2 (cầu Nhật Tân và tuyến đường hai bên cầu); các tuyến chính đô thị như Quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long-Cầu Diễn-Nhổn-Sơn Tây); đường Nhật Tân-Nội Bài; mở rộng cảng hàng không Quốc tế Nội Bài T2…
Cùng với việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết cấu giao thông khung, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; trong đó, đầu tư hoàn thành hàng loạt công trình giao thông đảm bảo an sinh xã hội như 12 công trình cầu yếu; 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh…
Mặc dù đạt được kết quả trên, nhưng theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Thủ đô vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Tình trạng ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đồng bộ.
Sự bất cập còn thể hiện ở việc triển khai lập, thẩm định và phê duyệt đồ án Quy hoạch Giao thông Vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhưng đến năm 2016 mới hoàn thành xong và được Thủ tướng phê duyệt trong khi đó đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lại được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ năm 2011.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia giao thông cho rằng thực trạng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn mới chỉ trong giai đoạn đang đầu tư phát triển hình thành theo quy hoạch. Do đó đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố theo đồ án quy hoạch giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thành phố xác định mục tiêu, yêu cầu và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và tạo được sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tạo điều kiện quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô cũng như người dân các địa phương khác tới thủ đô Hà Nội.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, chương trình tổng thể “Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030 đang được thành phố tích cực triển khai với các dự án khép nối hệ thống đường vành đai, cầu vượt sông, đường trên cao, đường hướng tâm, đường trục chính đô thị và hệ thống giao thông tĩnh…
Sau khi hoàn thành các công trình này sẽ tạo diện mạo mới cho giao thông Thủ đô trong tương lai.
Nhật Lệ (T/h)