Hà Nội: Tuyến đường Vành đai 4 dự kiến khởi công trong tháng 6/2023

Ngân Hà|14/04/2023 14:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, toàn tuyến đường Vành đai 4, dự kiến sẽ khởi công ngay trong tháng 6/2023 tại 4 điểm.

13-dt-dung.jpg
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, toàn tuyến đường vành đai 4 dự kiến được khởi công trong tháng 6/2023

Sáng nay, ngày 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội làm việc với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để đảm bảo khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023 đúng tiến độ, trong đó việc khảo sát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công dự án là công việc hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của dự án.

"Chúng tôi dự kiến khởi công đường Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm. Ban Chỉ đạo hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang rất cố gắng để có thể khởi công; hy vọng có thể khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6 tới", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.

Hiện nay, các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Mặc dù, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết triển khai với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu thông thường.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả cần có sự vào cuộc trực tiếp của các địa phương trong vùng. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các địa phương với việc triển khai dự án, cơ chế phối hợp, điều phối chung giữa các địa phương.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu bàn kỹ, bàn sâu, trao đổi thẳng thắn để cùng giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp tối ưu để thực hiện khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án thành phần 2.1, 2.2, 2.3 và dự án thành phần 3 (dự kiến đắp nền K95 bằng cát trên địa bàn TP Hà Nội), nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) là rất lớn.

Tổng số mỏ đã khảo sát phục vụ thi công dự án là 102 mỏ. Trong đó, đối với mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu m3 (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng 12,012 triệu m3).

Đối với mỏ cát, bãi tập kết cát, đến nay tư vấn đã khảo sát tổng cộng 32 mỏ trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, với tổng trữ lượng khoảng 56 triệu m3 (thực tế nhu cầu dự kiến 10,467 triệu m3).

Đối với mỏ đá, đến nay tư vấn khảo sát 39 mỏ đá trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố với trữ lượng khoảng 280 triệu m3 (nhu cầu thực tế khoảng 7,512 triệu m3).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã trao đổi, làm rõ thêm về tình hình các mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẳng định quyết tâm sẽ đảm bảo về nhu cầu vật liệu xây dựng về đất, cát, đá phục vụ thi công dự án.

Bài liên quan
  • Hà Nội chính thức thông xe toàn tuyến đường vành đai 2
    Sau hơn 4 năm thi công, dự án vành đai trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội được khánh thành. Tuyến đường được khởi công từ tháng 4/2018 với 2 hợp phần: Mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tuyến đường Vành đai 4 dự kiến khởi công trong tháng 6/2023