Hà Tĩnh đề xuất trồng thay thế hơn 27 ha rừng ảnh hưởng thi công cao tốc Bắc - Nam

Hoàng Linh|29/11/2023 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Qua rà soát, quỹ đất trồng còn lại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 30 ha nên địa phương đề nghị Trung ương bố trí trồng 27,42 ha rừng trong số 57,42 ha cần trồng thay thế ở địa phương khác do ảnh hưởng thi công cao tốc Bắc - Nam.

Để phục vụ thi công 102,38 km của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu, Hà Tĩnh đã chấp thuận bản xác nhận về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp khai thác và bảo vệ môi trường với 11 mỏ khoáng sản (8 mỏ đất san lấp, 3 mỏ cát) làm nguồn vật liệu xây dựng. HĐND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã có nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản đối với 7 mỏ khoáng sản đất san lấp có rừng với diện tích rừng cần trồng thay thế là 57,42 ha.

Các mỏ khoáng sản đất san lấp có rừng gồm mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2, mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 3 (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) với diện tích lần lượt là 9,43 ha và 3,54 ha; mỏ đất núi Động Mòi (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) có diện tích 15,22 ha; mỏ đất san lấp núi Đồng Chiêng (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) có diện tích 7,06 ha; mỏ đất xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc) có diện tích 10,7 ha; mỏ đất Đất Đỏ 2 (xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh) có diện tích 4,85 ha; mỏ đất Đức Lạng 2 (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) có diện tích 6,62 ha.

Trong số 11 mỏ khoáng sản đã được cấp phép, đến nay, có 9 mỏ đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và các nhà thầu tiến hành khai thác, phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc – Nam.

trong-rung.jpg
Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức cho hay: Trong số diện tích 57,42 ha cần trồng rừng thay thế ở Hà Tĩnh, qua rà soát, quỹ đất trồng còn lại là 30 ha. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương bố trí trồng trên địa bàn tỉnh khác với diện tích 27,42 ha.

30 ha trồng rừng thay thế trên địa bàn Hà Tĩnh gồm: Mỏ Lưu Vĩnh Sơn 2 với diện tích 5 ha; mỏ Lưu Vĩnh Sơn 3 với diện tích 2,5 ha; mỏ Đất Đỏ 2 với diện tích 3 ha; mỏ đất núi Động Mòi với diện tích 4,94 ha; mỏ đất núi Đồng Chiêng với diện tích 7,06 ha; mỏ đất Đức Lạng 2 với diện tích 2,5 ha; mỏ đất xã Thượng Lộc với diện tích 5 ha.

Sở NN&PTNT đã thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán trồng rừng và ngày 16/11 đã trình UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. “Khi được UBND tỉnh phê duyệt, các chủ mỏ căn cứ đơn giá, nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Từ đây, các chủ mỏ có văn bản đề nghị chuyển đổi và theo thẩm quyền UBND huyện (diện tích rừng của các hộ gia đình) hoặc UBND tỉnh (diện tích rừng của các tổ chức), sẽ ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng” - ông Nguyễn Bá Đức thông tin.

Đối với phần diện tích 27,42 ha đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí trồng tại các tỉnh khác, gồm có mỏ Đất Đỏ 2 với diện tích 1,85 ha; mỏ đất núi Động Mòi với diện tích 10,28 ha; mỏ đất Đức Lạng 2 với diện tích 4,12 ha; mỏ đất xã Thượng Lộc với diện tích 5,7 ha; mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 2 với diện tích 4,43 ha; mỏ đất Lưu Vĩnh Sơn 3 với diện tích 1,04 ha.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, căn cứ đề xuất của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT đã chấp thuận việc nộp tiền trồng rừng thay thế; Cục Lâm nghiệp có hướng dẫn việc thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế. Hiện nay, các chủ mỏ thực hiện việc nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

“Hiện nay, hồ sơ thiết kế trồng rừng thay thế UBND tỉnh đã phê duyệt (ngày 21/11) và Bộ NN&PTNT đã cho phép việc nộp tiền trồng rừng thay thế. Sở NN&PTNT đang đề nghị chủ mỏ thực hiện ngay việc nộp tiền trồng rừng thay thế. Khi hoàn thành việc nộp tiền, sẽ thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định, tạo thuận lợi cho quá trình khai thác mỏ khoáng sản phục vụ thi công dự án cao tốc” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Đức cho hay.

Cũng theo thông tin từ Sở NN&PTNT, trong quá trình thi công dự án thành phần cao tốc Vũng Áng – Bùng, Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) - chủ đầu tư dự án - có đề xuất tăng thêm diện tích rừng cần chuyển đổi là 17,09 ha, trong đó rừng tự nhiên 2,66 ha, rừng trồng 14,43 ha.

Theo đó, Sở NN&PTNT đã có đề nghị Ban QLDA 6 phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Ông Nguyễn Bá Đức cho biết thêm, hiện tỉnh đã giao huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Ban Quản lý dự án 6 và Sở TN&MT thực hiện các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và soát xét hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định. Sau khi hoàn thành các thủ tục trên, đơn vị mới có cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh đề xuất trồng thay thế hơn 27 ha rừng ảnh hưởng thi công cao tốc Bắc - Nam