Thực hiện phong trào trên, vừa qua, Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh tổ chức cho học sinh khối THPT trực tiếp trồng rừng ngập mặn tại xã Đồng Môn, thành Phố Hà Tĩnh. Việc trồng cây rừng ngập mặn của thầy và trò Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh mang ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh, giáo dục cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, kéo theo đó là tình trạng hạn hán, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất đá…gây nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái và đời sống nhân dân. Nhiều diện tích rừng bị thu hẹp, trong đó có rừng ngập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái. Xác định được điều đó, trong thời gian dài thầy và trò Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh đã xây dựng ý tưởng trực tiếp trồng rừng ngập mặn tại các vùng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sáng ngày 23/10, đoàn Trường đã phối hợp với Thành đoàn thành phố Hà Tĩnh, Chi đoàn các địa phương ra quân trồng 200 cây mắm tại rừng ngập mặn thuộc địa bàn xã Đồng Môn – thành phố Hà Tĩnh.
Trao đổi với Pv moitruong.net.vn, thầy giáo Nguyễn Gia Việt – Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh cho biết “Rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ cân bằng môi trường sinh thái, giữ đất lấn biển, bảo vệ đê điều, chắn sóng triều cường, hạn chế sự xâm nhập của nước mặn vào đất liền và tạo môi trường cho sự phát triển của nhiều loài sinh vật quý ven biển, mang lại nguồn lợi khai thác cho con người. Xác định được ý nghĩa đó, nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cũng như giáo dục ý thức, trải nghiệm thực tế cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Trường chúng tôi đã tiến hành tổ chức cho các em khối THPT trực tiếp trồng cây tại rừng ngập mặn của địa phương”.
Để trồng cây có hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh vừa để làm sao cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết “Trước khi triển khai thực hiện việc trồng rừng ngập mặn này, chúng tôi đã tham vấn các chuyên gia, những người có chuyên môn, có kinh nghiệm để xem nên trồng cây gì? Thời gian như thế nào cho phù hợp? Được sự tư vấn từ phía sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi đã lựa chọn loại cây có tên là cây mắm, đặt mua từ các tỉnh miền Tây của Việt Nam. Đặc tính của cây này rất phù hợp trong việc trồng rừng ngập mặn, với tỷ lệ sống lên tới hơn 90%. Thời gian trồng cây từ 6h đến 9h sáng, khi thủy triều rút cạn nước. Việc để các em học sinh tự trồng cây chính là giáo dục cho các em được trải nghiệm thực tế từ các bài học của hệ sinh thái rừng ngập mặn, chống biến đổi khí hậu cho học sinh. Về lâu dài, phía nhà trường sẻ phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương trong việc theo dõi, chăm sóc cho sự sinh trưởng và phát triển của cây”.
Em Vũ Lê Trình Anh – học sinh lớp 10A1, người trực tiếp cùng các bạn tham gia trồng cây chia sẽ “Ban đầu chúng em cũng hơi ái ngại vì trồng cây dưới bùn lầy lội. Sáng sớm thầy trò chúng em phải tiến hành trồng khi nước thủy triều rút cạn, đến tầm 9h sáng khi nước thủy triều lên là rất khó để có thể trồng tiếp. Tuy nhiên khi bắt tay vào công việc, thực sự chúng em vô cùng phấn khích. Vui vì với chương trình này chúng em đã đóng góp 1 phần công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Những gì chúng em được học lý thuyết trong sách giáo khoa đều được cụ thể hóa tại đây. Từ việc trồng cây như thế này chúng em đã biết tự phân công theo nhóm, nhóm bạn di chuyển mang cây vào vị trí tập kết, nhóm bạn trồng cây, nhóm bạn gia cố cây bằng các thanh tre, nứa… Qua đây chúng em rèn luyện thêm được tính chịu khó, nhẫn nại, kỷ luật, đoàn kết. Khi ngắm lại thành quả sau thời gian lao động, chúng em thật sự rất vui mừng với những đóng góp nhỏ bé của mình. Mong rằng mỗi học sinh, mỗi người dân đều tự nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, ươm mầm những cây xanh để môi trường ngày càng trở nên xanh đẹp hơn”.
Nhiều năm qua, do tác động của thiên tai và con người, như: khai thác tài nguyên một cách thiếu khoa học; chặt phá cây rừng ngập mặn để lấy củi của người dân ven biển; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thuỷ sản thực hiện một cách ồ ạt, không có quy hoạch, đã dẫn đến diện tích rừng ngập mặn bị suy giảm đáng kể, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh và hệ thống đê điều. Đặc biệt, sự suy giảm về rừng ngập mặn đã và đang đe doạ đến môi trường biển. Việc trồng cây gây rừng tại rừng ngập mặn của địa phương do Thầy và trò Trường Phổ thông liên cấp Albert Einstein Hà Tĩnh mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục ý thức, nâng cao hiểu biết, lan tỏa tích cực phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong học sinh và đông đảo tầng lớp nhân dân.