Tài nguyên nước

“Hồ nước” lớn nhất thế giới đang bị cạn kiệt nhanh chóng

Thanh Thanh 12/11/2024 18:00

Mực nước của Biển Caspi - “Hồ nước” lớn nhất thế giới đang rút đi rất nhanh, gây lo ngại cho những người dân sống ven biển.

Biển Caspi có diện tích gần bằng tiểu bang Montana (Mỹ), với đường bờ biển dài hơn 6.500 km, đi qua năm quốc gia: Kazakhstan, Iran, Azerbaijan, Nga và Turkmenistan. Biển không chỉ là nguồn tài nguyên quan trọng với các quốc gia này, mà còn có vai trò điều hòa khí hậu cho khu vực khô cằn của Trung Á, cung cấp lượng mưa và độ ẩm. Tuy nhiên, hiện nay, Biển Caspi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Mực nước của Biển Caspi đã rút đi rất nhanh, gây lo ngại cho những người dân sống ven biển.

Sự suy giảm của Biển Caspi bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác quá mức và ô nhiễm. Một trong những nguyên nhân chính là việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Volga, con sông lớn nhất cung cấp nước cho Biển Caspi. Nga đã xây dựng hơn 40 đập trên sông Volga và đang triển khai thêm nhiều đập khác, khiến lượng nước chảy vào biển giảm sút. Mặt khác, biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, làm tăng....làm tăng tốc độ bốc hơi nước và khiến lượng mưa trở nên thất thường, do đó cũng làm giảm mực nước Biển Caspi giảm mạnh.

Theo nghiên cứu của ông Matthias Prange, một nhà khoa học từ Đại học Bremen, mực nước Biển Caspi đã giảm khoảng 1,5 mét kể từ giữa những năm 1990, và dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh từ 8 đến 18 mét vào cuối thế kỷ này, nếu không có biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu hiệu quả.

capture(10).png
Mực nước của Biển Caspi - “Hồ nước” lớn nhất thế giới đang rút đi rất nhanh, gây lo ngại cho những người dân sống ven biển

Biển Caspi không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có loài cá tầm hoang dã, một trong những nguồn cung cấp trứng cá muối lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự suy giảm của biển đang đe dọa các sinh vật này. Việc nước rút đã khiến lượng oxy trong nước giảm mạnh, làm giảm đi sự sống dưới đáy biển và đẩy các loài động vật vào nguy cơ tuyệt chủng.

Loài hải cẩu Caspi, một loài động vật có vú biển duy nhất sống trong Biển Caspi, cũng đang bị đe dọa. Những địa điểm trú ẩn của hải cẩu, đặc biệt là ở khu vực phía đông bắc của Biển Caspi, đã dần biến mất. Theo bà Assel Baimukanova, một nhà nghiên cứu từ Viện Thủy sinh học và Sinh thái học ở Kazakhstan, số lượng hải cẩu đã giảm mạnh trong những năm qua, với những khảo sát gần đây không còn ghi nhận sự hiện diện của chúng ở các khu vực trước đây.

Các quốc gia ven Biển Caspi cũng sẽ phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng từ việc suy giảm biển. Ngành đánh bắt cá sẽ bị ảnh hưởng, du lịch sẽ suy giảm, và các cảng biển sẽ không còn khả năng tiếp nhận tàu thuyền khi mực nước biển tiếp tục giảm. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh gay gắt về tài nguyên nước và dầu khí trong khu vực có thể dẫn đến những căng thẳng địa chính trị.

Biển Caspi hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh thái và địa chính trị lớn, trong khi các quốc gia ven biển dường như chưa có biện pháp phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này. Những hoạt động của con người, đặc biệt là việc khai thác tài nguyên quá mức và việc xây dựng đập, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Biển Caspi. Các chuyên gia đang kêu gọi khu vực có những hành động ngay lập tức, dù vậy việc đạt được các giải pháp chung không phải dễ dàng trong bối cảnh căng thẳng chính trị trong khu vực.

Bà Joy Singarayer, giáo sư khí hậu học tại Đại học Reading, cho biết: “Biển Caspi có thể sẽ không bao giờ trở lại như trước nếu không có những nỗ lực hợp tác mạnh mẽ từ các quốc gia trong khu vực”.

Nếu tình trạng này tiếp tục, Biển Caspi có thể phải đối mặt với số phận bi thảm giống như Biển Aral, vốn đã gần như biến mất hoàn toàn do sự kết hợp giữa các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Với tình hình hiện tại, Biển Caspi không chỉ là vấn đề của các quốc gia ven biển mà là một thách thức đối với cộng đồng quốc tế. Vào tháng 12 năm nay, các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tụ họp tại Baku, Azerbaijan, trong khuôn khổ COP29 để thảo luận về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực Biển Caspi vẫn tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dầu khí của mình. Trong khi đó, vấn đề suy giảm Biển Caspi vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ.

Bài liên quan
  • Hàng trăm hồ cạn nước, cây trồng có nguy cơ "chết khô"
    Đại diện Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt đã xảy ra gây hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt ở các địa phương thuộc khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
“Hồ nước” lớn nhất thế giới đang bị cạn kiệt nhanh chóng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.