Hòa Bình: Thực hiện “mục tiêu kép” trong việc trồng rừng

Phạm Anh|23/04/2022 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Không chỉ xã Đú Sáng mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kim Bôi người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc trồng rừng sản xuất và mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi dưới tán rừng hiệu quả.

Huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích đất lâm nghiệp 39.186,31 ha (chiếm 71% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, diện tích đất có rừng trong quy hoạch 27.172,18 ha và đất chưa có rừng 12.014,13 ha. Thời gian qua, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Đồng chí Bạch Đức Cần, Phó Chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đú Sáng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng rừng, trang bị kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Xã liên kết với các doanh nghiệp phát triển trồng keo lai; hướng tới trồng rừng gỗ lớn chu kỳ trên 10 năm. Trung bình mỗi năm, xã khai thác từ 100 – 150 ha rừng sản xuất. Phát triển kinh tế rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5-10%/năm.

Huyện Kim Bôi mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế rừng.

Không chỉ xã Đú Sáng mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kim Bôi người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc trồng rừng sản xuất và mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi dưới tán rừng hiệu quả. Đặc biệt, huyện Kim Bôi quan tâm trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng cấp Chứng chỉ FSC. Năm 2021, toàn huyện trồng được 1.232,79 ha rừng trồng tập trung (đạt 154% kế hoạch), trong đó có 176,60 ha rừng gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC của huyện là 947.2 ha, gồm 4 nhóm hộ: Nhóm hộ xã Đú Sáng 470,8 ha, nhóm hộ xã Kim Lập 387,43 ha, nhóm hộ xã Xuân Thủy 45,17 ha, nhóm hộ xã Nuông Dăm 43,8 ha. Toàn huyện khai thác 1.056,19 ha rừng trồng tập trung, với 72.223,21 m3 (tăng 17.610,31 m3 so với năm 2020), sản lượng gỗ trung bình đạt 90 m3/ha. Tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện đạt 100,3 tỷ đồng (tăng 7,7 tỷ đồng so với năm 2020).

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Các chỉ tiêu trồng rừng tỉnh giao huyện Kim Bôi đều đạt và vượt, hiệu quả kinh tế từ phát triển kinh tế rừng ngày càng tăng. Hàng năm, để đạt được chỉ tiêu về phát triển kinh tế rừng, huyện thực hiện rà soát lại rừng đã khai thác và diện tích đất có thể trồng rừng được trên cơ sở đó, bố trí cây giống. Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Phòng NN&PTNT phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao trong trồng rừng, áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và quản lý rừng bền vững.

Để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao, huyện Kim Bôi luôn quan tâm tới nguồn giống cây lâm nghiệp. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, với quy mô sản xuất là 18.100 m2. Năm nay, các cơ sở sản xuất giống đã chuẩn bị 4.814.000 cây giống để phục vụ người dân trồng rừng.

Hết quý I, toàn huyện trồng được trên 167 ha rừng; khai thác 142.98 ha rừng trồng tập trung, sản lượng gỗ khai thác 11.909,30 m3, thu nhập từ khai thác rừng trồng tập trung trên 11,6 tỷ đồng. Tổng thu nhập từ rừng đạt trên 14,6 tỷ đồng. Song song với khai thác 17 cơ sở kinh doanh và chế biến lâm sản trên địa bàn huyện nỗ lực phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cùng với phát triển rừng, huyện luôn chú trọng tới công tác bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Thường xuyên theo dõi cảnh báo cháy rừng trên trang Website của Cục Kiểm lâm, để kịp thời phát hiện sớm đám cháy, thông báo cho chính quyền các xã, thị trấn và chủ rừng, nhằm chủ động triển khai các phương án chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.

Phạm Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa Bình: Thực hiện “mục tiêu kép” trong việc trồng rừng