Hội thảo “Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra bền vững”

Theo mard|06/10/2017 23:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 6/10, trong khuôn khổ Hội chợ cá Tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra bền vững” do Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – Ông Trần Đình Luân (phải) và Chủ tịch Hội cá Tra Việt Nam – Ông Dương Nghĩa Quốc (trái) chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, tạo chuỗi phát triển cá tra bền vững là một trong những định hướng trong tái cơ cấu ngành Thủy sản. Hội thảo này sẽ đề cập đến những vấn đề mấu chốt có liên quan đến việc làm thế nào để phát triển chuỗi cá tra bền vững, các vấn đề có liên quan đến thuận lợi, khó khăn để phát triển thị trường, đặc biệt đối với thị trường trong nước với mong muốn phát triển đều sản phẩm cá tra cả ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu và đảm bảo cung cầu một cách hợp lý.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận được trình bày tại hội thảo (Tổng quan nghề nuôi cá tra giai đoạn 2010-2017, định hướng và giải pháp phát triển bền vững; Phát triển nghề nuôi cá tra trong bối cảnh hội nhập; Quản lý chất lượng cá tra thương phẩm gắn với thực hiện GAP; Tổng quan về sản xuất, những khó khăn thuận lợi, giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ cá tra…), các đại biểu đều cho rằng để phát triển chuỗi sản phẩm cá tra bền vững cần phải có các giải pháp kỹ thuật để tránh được các rào cản kỹ thuật, cụ thể là chuẩn hóa trong quá trình nuôi (thức ăn, con giống, chế phẩm…), chế biến cho đến khâu tăng cường truyền thông, xúc tiến thương mại như đưa các chuỗi cửa hàng giới thiệu, quảng bá cách sử dụng sản phẩm này. Có như vậy thì thị trường nội địa phát triển mà thị trường nước ngoài cũng vượt qua được các rào cản.

hoi thao

Toàn cảnh hội thảo

Theo Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá Tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các nước chủ yếu vẫn ở dạng sản phẩm thô, còn các sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ cá tra để có thể ăn ngay vẫn còn rất ít. Hiện nay, bất cứ một sản phẩm nào muốn xuất khẩu ổn định và bền vững thì thị trường nội địa phải tốt, nhưng cá tra mặc dù là sản phẩm được xuất khẩu rất nhiều đi các nước nhưng thực tế tại thị trường trong nước lại rất ít được người tiêu dùng biết đến.

Theo ông, nguyên nhân thời gian vừa qua thị trường nội địa không được phát triển phần lớn là do lợi thuận quá thấp ko đủ để các doanh nghiệp bù chi phí như tiền thuê mặt bằng, nhân công…Ngoài ra còn do công tác XTTM vẫn còn chưa được tập trung mà mạnh ai nấy làm nên XTTM đối với cá tra vẫn còn rất yếu. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh XTTM, hình ảnh cá tra rất quan trọng như xuất bản các sách hướng dẫn chế biến các món ăn từ cá tra cho người dân quen với sản phẩm cá tra. Cải thiện tốt được những vẫn đề trên thì cá tra sẽ phát triển được ở thị trường trong nước.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Đình Luân cho biết qua các báo cáo tham luận tại hội thảo có thể thấy được con cá tra thực sự là một sản phẩm rất lợi thế đối với ngành thủy sản. Tuy nhiên, nó cũng trải qua rất nhiều thăng trầm trong thời gian vừa qua và bắt đầu có dấu hiệu tương đối ổn định và dự báo có sự khả quan rất lớn.

Tuy nhiên còn có rất nhiều khó khăn ở trước mắt, đặc biệt các thị trường truyền thống như Mỹ và EU đã có dấu hiệu xuất hiện những rào cản để hạn chế lượng sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề về chất lượng con giống, quản lý vùng nuôi, trong đó có quản lý sử dụng kháng sinh…

Theo ông, trong thời gian tới, Hiệp hội cá Tra và VASEP cần xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm cá tra của Việt Nam, tạo giá trị riêng biệt cho sản phẩm cá tra. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách cần có hướng và cách tiếp cận làm sao để ngành hàng cá tra phát triển cả trong nước và thế giới bền vững hơn.

Theo mard


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Phát triển chuỗi sản phẩm cá Tra bền vững”