Hơn 8.168ha cây keo ở Quảng Ngãi bị chết do nhiễm nấm

Vũ Thành|27/04/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 8.168ha cây keo bị chết do nhiễm nấm, trong đó huyện Ba Tơ có hơn 4.076ha.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng keo chết hàng loạt tại địa phương này. Theo đó, cây keo là cây lâm nghiệp chủ yếu của tỉnh Quảng Ngãi với tổng diện tích khoảng 175.549 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 17/4, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 8.168,7 ha keo có biểu hiện triệu chứng chết cây.

Tỷ lệ cây bị chết chiếm từ 5 - 10% diện tích, nơi cao từ 30 - 60%. Các địa phương có diện tích cây keo bị chết nhiều là huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà và Trà Bồng. Cây keo bị chết chủ yếu ở giai đoạn từ 1 - 3 năm tuổi.

cay-keo.jpg
Ảnh minh họa

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện tượng chết cây keo trên địa bàn tỉnh có 2 dạng triệu chứng. Đó là cây biểu hiện héo lá do mất nước, trên thân có những chỗ vỏ cây chuyển màu nâu, phần thân gỗ bên trong có màu xám đen, có nơi vết bệnh chảy nhựa màu cánh gián hoặc xì bọt màu trắng. Những cây bị bệnh nặng toàn thân cây bị héo khô, rụng lá, rễ cây chuyển màu xám đen. Dạng triệu chứng thứ 2 là cổ rễ cây gần mặt đất có màu nâu đen, các rễ phía dưới bị thối đen, cây sinh trưởng kém dần và chết khô.

Theo kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) và khảo sát của các cơ quan chuyên môn, cây keo bị chết là do nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Ngoài ra, một số ít diện tích cây keo bị chết do đào thải tự nhiên vì nông dân trồng mật độ quá dày, có nơi hơn 8.000 cây/ha, cây cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng không đủ dẫn đến sinh trưởng kém và chết.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong thời gian tới, bệnh có khả năng tiếp tục phát triển và lây lan làm ảnh hưởng lớn đến các vùng nguyên liệu keo trong tỉnh. Chi cục khuyến cáo nông dân chặt cây bị bệnh mang đi tiêu hủy, không tận thu cây bệnh vận chuyển đi nơi khác, dùng vôi rải vào gốc cây bị bệnh để xử lý nguồn bệnh.

Khi trồng vụ mới, nông dân sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh, chỉ mua cây giống ở những cơ sở được cấp phép; trồng đúng mật độ khuyến cáo, chăm sóc vườn keo đúng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, cần luân canh cây trồng sang các loại cây trồng khác phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 8.168ha cây keo ở Quảng Ngãi bị chết do nhiễm nấm