Xem VIDEO: Khoái Châu (Hưng Yên): Người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ xưởng tái chế phế liệu
Trước đó, ngày 4/5/2020, Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã thông tin về việc người dân xóm 3 thôn Thổ Khối, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu hàng ngày đang phải sống chung với tiếng ồn và nỗi lo ô nhiễm môi trường do những cơ sở tái chế phế liệu nằm giữa khu dân cư gây ra.
Ngay sau đó, ngày 5/5/2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn số 1008/UBND-KT2 yêu cầu UBND huyện Khoái Châu kiểm tra, xử lý theo nội dung Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống thông tin.
Cùng ngày, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Phòng TNMT huyện Khoái Châu kiểm tra tại cơ sở tái chế phế liệu hộ gia đình ông Nguyễn Danh Sơn mà báo chí đã thông tin.
Sở TNMT tỉnh Hưng Yên phối hợp Phòng TNMT huyện Khoái Châu kiểm tra cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm mà báo chí thông tin
Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Danh Sơn chưa lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường đối với việc sản xuất tái chế phế liệu. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu tiếng ồn đo được tại 7 điểm khác nhau và 1 mẫu nước thải ở xưởng, kết quả đang được Trung tâm quan trắc thông tin và môi trường xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Khánh Duy – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Khoái Châu cho biết: “Sau khi có bài báo của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống thì UBND tỉnh Hưng Yên đã kịp thời có văn bản chỉ đạo. Ngày ngày 5/5, Phòng TNMT huyện Khoái Châu đã phối hợp với Sở TNMT kiểm tra tại xưởng tái chế phế liệu hộ gia đình ông Nguyễn Danh Sơn. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu tiếng ồn, nước thải tại xưởng. Khi có kết quả quan trắc phân tích của Sở TNMT gửi về sẽ làm căn cứ để xử lý vi phạm của hộ gia đình ông Nguyễn Danh Sơn”.
Ông Lê Khánh Duy – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Khoái Châu làm việc với phóng viên Moitruong.net.vn
“Về giải pháp lâu dài sẽ yêu cầu hộ ông Nguyễn Danh Sơn di dời xưởng tái chế phế liệu ra khỏi khu dân cư. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định và yêu cầu đình chỉ sản xuất cho đến khi gia đình có biện pháp khắc phục hậu quả, để không làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xóm 3 thôn Thổ Khối” – ông Lê Khánh Duy – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Khoái Châu khẳng định với phóng viên Moitruong.net.vn.
Ngoài xưởng tái chế nhựa hộ gia đình ông Nguyễn Danh Sơn ở thôn Thổ Khối, xã Đồng Tiến mà báo chí đã thông tin. Hiện nay, trên địa bàn huyện Khoái Châu tồn tại rất nhiều cơ sở tái chế phế liệu. Hầu hết những cơ sở này đều không có hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, chưa được nghiệm thu an toàn PCCC. Chính vì thế mà những hộ dân sống xung quanh các cơ sở này đang hàng ngày phải sống chung với nỗi lo ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC.
Mặc dù UBND huyện Khoái Châu đã có công văn chỉ đạo, nhưng trên địa bàn huyện vẫn tồn tại nhiều cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường chưa bị xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?
Về vấn đề này, ông Lê Khánh Duy – Phó trưởng Phòng TNMT huyện Khoái Châu cho biết: “Đầu năm 2020, UBND huyện Khoái Châu đã có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thống kê lập danh sách các cơ sở sản xuất, tái chế phế liệu để có biện pháp quản lý về môi trường. Yêu cầu các cơ sở phải lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường để có căn cứ xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới cũng sẽ hướng dẫn các xã có nhiều cơ sở tái chế, xây dựng theo tiêu chí làng nghề, đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề từ đó có những biện pháp quản lý tốt hơn”.
Qua đây, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên kịp thời chỉ đạo các địa phương có biện pháp quản lý hiệu quả; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Luật bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, để đảm bảo môi trường sống cho nhân dân.
Kết quả xử lý của UBND huyện Khoái Châu đối với những cơ sở tái chế phế liệu trên như thế nào? Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.
Thế Đoàn