Tại Bắc Jakarta, Indonesia, ngân hàng rác Wijaya Kasuma quy đổi 70 kg nhôm (tương đương 4.500 vỏ nhôm rỗng) với 1g vàng. Các vật liệu tái chế được khác như bìa hộp và chai nhựa cũng được chương trình chấp nhận.
Bà Roswanthy Suweden, 67 tuổi, là một trong những người tham gia tích cực chương trình. Bà đã thu gom đủ vỏ lon và các loại rác có thể tái chế, đổi lại bà đã nhận được hơn 10 gram vàng. “Tôi rất hạnh phúc. Tôi tiết kiệm từng ít một và theo thời gian tôi có nhiều vỏ lon để đổi. Số vàng này tôi dành tặng con và các cháu”, bà nói.
Người dân có thể đổi rác lấy tiền.
Giám đốc cơ quan môi trường bắc Jakarta, ông Slamet Riyadi, ca ngợi sáng kiến đổi rác lấy vàng gây được sự chú ý, góp phần quan trọng hướng tới việc nâng cao nhận thức xanh ở Indonesia – nước gây ô nhiễm nhựa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Không chỉ Jakarta, chương trình đổi rác lấy vàng cũng được triển khai ở các thành phố khác như Palembang, Bandar Lampung và Makassar.
Sáng kiến trên được các nhà môi trường ca ngợi như một bước đi nhỏ đối với tăng cường nhận thức giữ gìn môi trường xanh và thay đổi thói quen xả rác ở Indonesia – nước có lượng rác thải nhựa lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Tùy thuộc vào lượng và loại rác thải, khách hàng sẽ nhận được tiền mặt. Ví dụ, 1kg bìa carton có giá 1.200 rupiah (0,08 USD), trong khi đó 1kg chai nhựa sạch trị giá 3.000 rupiah. Những hộp nhôm được xem là có giá trị nhất, mỗi kg có giá 10.000 rupiah.
Nếu người dân muốn nhận được giải thưởng lớn là vàng, họ sẽ phải nộp tiền thu được từ việc đổi rác thải cho nhân viên hiệu cầm đồ có mặt ở đó. Khi người dân đã tiết kiệm đủ 5g vàng dựa trên giá cả thị trường, họ có thể đến tiệm cầm đồ lấy vàng về. Một gram vàng có giá khoảng 700.000 rupiah vào thời điểm này.
Nhà môi trường Muharram Atha Rasyadi, làm việc cho Greenpeace Indonesia, đồng tình nhấn mạnh sự thành công của ngân hàng tái chế phụ thuộc vào các hoạt động giáo dục về môi trường cho người dân. Ngoài ra, mục tiêu cuối cùng là người dân thay đổi thói quen và chú trọng xử lý triệt để các nguồn rác khác, như rác hữu cơ của gia đình mình.
Ngân hàng tái chế còn có xe thu gom rác tái chế mỗi hai tuần một lần ở khu dân cư từ những người không có thời gian mang rác đến điểm thu gom.
Nhật Lệ (t/h)