Kiên Giang: Chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển

Hân Như (T/h)|21/02/2020 05:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện nay, trên bờ biển của tỉnh Kiên Giang có 14 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài hơn 92 km, chiếm khoảng 46% chiều dài bờ biển…

Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài trên 200 km, trong đó, có 130 km đê biển, còn lại 70 km là đường giao thông kết hợp đê biển. Đê xây dựng trên nền đất bồi ven biển, đắp bằng đất tại chỗ. Hiện nay, tỉnh đang triển khai một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khắc phục sạt lở một số đoạn bờ biển trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện mô hình xây dựng hàng rào giữ bùn tạo bãi phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở khu vực ven biển xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất thuộc dự án cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển Đông Nam Á – IUCN…

Muốn khắc phục và chống hiện tượng sạt lở trên tuyến bờ biển này phải cần hơn 2.165 tỷ đồng. Trong khi đó, địa phương này mới có trên 500 tỷ đồng để khắc phục 25 km sạt lở. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho hay, bãi bồi ven biển của địa phương không ổn định và thay đổi theo từng năm, hiện tượng bồi, lở bờ biển theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy theo các kênh thoát lũ ra biển. Mặc dù có những đoạn bờ biển được bồi đắp nhưng không đáng kể, tình trạng sạt lở nhiều hơn bồi tụ và ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống dân sinh.

Kè rọ đá chống sạt lở ở biển Hà Tiên, Kiên Giang. (Ảnh: K.V)

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống sạt lở cả bờ sông và bờ biển. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ, rà soát, đánh giá, phân loại các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tổ chức cắm biển báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở và đang sạt lở; cùng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp áp dụng cho từng dự án xử lý sạt lở. Việc lựa chọn các giải pháp công trình phòng, chống sạt lở phải đảm bảo tính ổn định lâu dài và phát huy hiệu quả đầu tư.

Thống kê tổng hợp các vị trí sạt lở, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn phối hợp thực hiện quan trắc, đánh giá ổn định và hiệu quả các công trình phòng, chống sạt lở bãi sạt, bãi bồi. Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển; đặc biệt là công trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức quan trắc khu vực đang có diễn biến sạt lở để làm cơ sở đánh giá, đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp. Chủ động di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; đặc biệt là các hộ dân đã có kế hoạch di dời. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng pháp luật về phòng, chống và các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển để mọi người dân và tổ chức biết chủ động phòng tránh…

Hân Như (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển