Kiên Giang: Tăng cường các giải pháp ứng phó với khô hạn kéo dài

Minh Anh (T/h)|01/06/2020 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do khô hạn kéo dài, nắng nóng gay gắt nên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra nhiều vụ thiên tai, hỏa hoạn, sụt lún, sạt lở đường giao thông gây thiệt hại nặng nề về tính mạng con người, tài sản Nhà nước và nhân dân.

Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy nhà làm chết 2 người, bị thương 7 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 9 tỷ đồng; 1 vụ nổ làm bị thương 10 người, 1 vụ đuối nước làm chết 1 người; thiên tai, dông lốc làm đổ sập, tốc mái 50 nhà dân. Trên các lâm phần của tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy rừng ở các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Giang Thành và Hòn Đất… gây thiệt hại hàng chục ha rừng.

Ngoài ra, thời tiết khô hạn, cạn kiệt nguồn nước kéo dài đã gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng trên tuyến tỉnh lộ 965 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn vùng U Minh Thượng, gây ách tắc giao thông, nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa của nông dân không thương lái thu mua, giá cả giảm thấp, đời sống kinh tế người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, cần đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa.

Ảnh minh họa

Theo dự báo, thời tiết khô hạn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nắng nóng gay gắt dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất cao, cấp dự báo cháy rừng trên các lâm phần luôn ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Cùng với đó, thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa mưa, xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh, dông lốc… có thể làm đổ sập, tốc mái nhà cửa, gây thiệt hại đến tính mạng con người và tài sản nhân dân.

Tiếp tục chủ động phòng tránh, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn có thể xảy ra trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp với địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, cảnh giác với thiên tai, nhất là vào giai đoạn giao mùa, không được chủ quan, lơ là. Các hình thức tuyên truyền cụ thể là thực hiện trình chiếu các phóng sự về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền miệng và lưu động.

Các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế; ngăn chặn và hạn chế cháy nổ xảy ra với tinh thần quyết liệt, không được chủ quan, trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ cho công tác chữa cháy.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát cháy nổ để chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa, nhất là những nơi có nguy cơ cháy cao, kết hợp với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn phòng chống cháy nổ.

Đối với phòng chống cháy rừng, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng, các địa phương có rừng tiếp tục duy trì công tác này cho đến khi mùa khô kết thúc, các lâm phần không còn khả năng xảy ra cháy rừng; bố trí lực lượng tại trạm, chốt, lán trại, phương tiện, trang thiết bị ứng trực 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực rừng dễ xảy ra cháy.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan
  • Cách phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng
    Moitruong.net.vn – Theo Trung tâm khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng kết hợp với hiệu ứng phơn nên thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra nắng nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến ở 35-37 độ C.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Tăng cường các giải pháp ứng phó với khô hạn kéo dài