Kiên Giang: Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Trương Anh Sáng|12/10/2019 03:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong những năm qua, ngành khai thác hải sản phát triển mạnh đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng phát triển kinh tế chung của tỉnh Kiên Giang.

Lợi thế thuận lợi, giàu tiềm năng

Kiên Giang là tính nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 6.346,2 km2, vùng biển rộng 63.290 km2, có bờ biển dài khoảng 200km, tiếp giáp với vùng biển Campuchia, Thái Lan và có chung Vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia rộng 16.000 km2. Có 143 hòn đảo lớn nhỏ, với 05 quần đảo (Thổ Chu, Bà Lụa, Nam Du, An Thới, Hải Tặc) trong đó có 43 đảo có dân sinh sống, đảo lớn nhất là Phú Quốc (567 km2), xa nhất là đảo Thổ Chu (cách thành phổ Rạch Giá hơn 200km).

Bờ biển có gần 100 cửa sông lớn nhỏ đổ ra biển, trong đó có 09 cửa sông lớn đổ ra biển và bến nội thủy là cầu nối trao đổi hàng hóa, tham quan du lịch giữa đất liền với các biển đảo. Có đường hàng hải thông thương rất thuận lợi với các nước trong khối ASEAN và quốc tế.

Tính đến tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 9.845 tàu cá có chiều dài từ 06 mét trở lên, trong đó có 3.991 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên. Các tàu khai thác hoạt động khoảng 20 loại nghề, thuộc 5 nhóm nghề chính: Lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Trong đó, hai nhóm nghề chiếm tỷ lệ lớn là nghề lưới kéo và lưới rê với tổng công suất hơn 2.800.CV, bình quân hơn 284 cv/chiếc. Tổng sản lượng và năng suất khai thác từ năm 2017 đến tháng 6 năm 2019 là 1.438.563 tấn.

Nuôi cá lồng bè ở An Thới, Phú Quốc . Ảnh: Trương Anh Sáng

Công tác quản lý nhà nước từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ.

Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra. Hoạt động khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển ven bờ và vùng lộng chưa được ngăn chặn triệt để. Cào bờ, xiệp mé, xung điện trong hoạt động khai thác thủy sản, hủy hoại môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, tranh chấp ngư trường gây mất an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp.

Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ. Công tác chỉ đạo ban hành văn bản còn nội dung chưa kịp thời, công tác phối hợp của các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU có nơi triển khai, thực hiện chưa nghiêm túc. Số lượng tàu mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá còn nhiều.Việc sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng phù hợp với từng ngư trường, nguồn lợi và tình hình phát triển nghề cá của tỉnh và không ảnh hưởng lớn đên nguôn lợi hải sản và hệ sinh thái đáy biển còn chậm.

Công tác xử lý các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài trái phép còn hạn chế so với số lượng tàu vi phạm. Công tác điều tra, xác minh và đưa ra khởi tố hình sự đối với các tổ chức, cá nhân móc nối với các nước để đưa tàu cá sang hoạt động khai thác trái phép vẫn còn chậm. Chưa xử lý dứt điểm tình trạng cào bờ, xiệp mé, xung điện tại các địa bàn.

Một số văn bản pháp luật quy định về khai thác thủy sản, hỗ trợ còn nhiều bất cập, không đồng nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngư trường khai thác rộng, bờ biển dài, trên biển có nhiều hòn, đảo,…rất khó kiểm soát các hoạt động khai thác cũng như đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá. Địa hình của tỉnh Kiên Giang có nhiều cửa sông, luồng lạch thông ra biển, hệ thống chốt, trạm kiểm soát của lực lượng chức năng còn mỏng, nên việc đăng ký, quản lý con người, phương tiện còn gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ nghề khai thác thủy sản truyền thống, tập quán sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Một số chủ phương tiện, tài công vì lợi ít kinh tế và nhận thức chủ quan, đã cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép. Khả năng tài chính của các ngư dân còn hạn chế, chưa đủ để đầu tư đồng bộ tất cả các hệ thống thiết bị, công nghệ tiên tiến phục vụ khai thác hải sàn trên tàu, từ khâu thiết kế tàu, trang thiết bị, ngư cụ, công nghệ khai thác, công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu,… nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

UBND tỉnh Kiên Giang đã ký kết Quy chế phối hợp số 208/QCPH- UBND ngày 14/01/2019 giữa UBND các tỉnh Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Hải Đoàn 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Biên phòng, Kiểm ngư vùng 5; UBND các huyện, thành phố ven biển, hải đảo trong việc kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước đổi với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với tỉnh Cà Mau trong công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh.

Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trên biển. Qua đó đã tiến hành kiểm tra, tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật cho hơn 2.200 phương tiện tàu thuyền tham gia khai thác thủy sản trên biển, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.898 trường hợp cá nhân vi phạm với tổng số tiền xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước là 31,1 tỷ đồng. Nội dung các vi phạm chủ yếu là không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, không chấp hành đúng quy định về công tác quản lý tàu cá, không mua bảo hiểm thuyền viên, khai thác thủy sản sai nghề, sai vùng,…

Lực lượng biên phòng tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Sớm đàm phán với các nước trong khu vực để ký kết hiệp định về khai thác thủy sản chung ở vùng nước lịch sử, tạo điêu kiện cho ngư dân mở rộng ngư trường khai thác, đặc biệt sớm đàm phán ký kết phân định đường ranh giới trên biên với nước bạn Campuchia, nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và tài nguyên biển.

Đàm phán với các nước có liên quan trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài để nâng cao tính răn đe của pháp luật. Có cơ chế, chính sách để phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển tỉnh Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm về cảng biển mang tầm quốc tế nhằm thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế.

Sớm bố trí đủ vốn để tỉnh Kiên Giang triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại tỉnh gắn với ngư trường Tây Nam Bộ. Hỗ trợ kinh phí người dân khai thác hải sản xa bờ về cơ chế, chính sách. Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, cung ứng nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng công nghệ trong đánh bẳt xa bờ; chính sách tín dụng theo các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xem xét sửa đổi một số văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có một số nội dung còn vướng măc, bất cập, khó thực hiện đối với Bộ đội Biên phòng.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn để thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU. Thực hiện tốt việc quy hoạch các vùng, kế hoạch khai thác, nuôi trồng… để phát triển bền vững. Tổ chức sơ kết đánh giá việc phân cấp cho cấp huyện quản lý vùng ven biển từ 500m vào bờ để đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn.

Quan tâm đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho ngành thủy sản, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lực lượng kiểm ngư tỉnh và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số cảng cá trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Luật Thủy sản 2017.

Trương Anh Sáng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản