La Nina và những tác động đến Việt Nam – Bài 3: Ngập úng tại các huyện ngoại thành Hà Nội - Nguyên nhân và giải pháp

Thu Trinh - Lương Nguyễn|08/09/2024 19:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ảnh hưởng của La nina, mưa lớn có khả năng xảy ra thường xuyên và dồn dập trong các tháng chính mùa đến cuối mùa mưa. Trước mắt, từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ, vậy nên Hà Nội và những vùng ngoại thành năm nào cũng ngập phải làm gì để ứng phó với cảnh ngập úng.

Nhiều người dân sinh sống ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ vẫn chưa quên những ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lớn gây ngập lụt diện rộng vào cuối tháng 7/2024. Hàng ngàn nhà dân tại 11 xã đã bị ngập nước, có nơi kéo dài đến 2 tuần. Các huyện Quốc Oai, Thạch Thất cũng hứng chịu tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024. Đáng chú ý, đã có 1 người chết do lũ cuốn trôi ở huyện Quốc Oai, 1 người chết do đuối nước khi đi đánh cá ở huyện Thạch Thất và 1 người chết do tai nạn ngã xuống sông ở huyện Chương Mỹ.

Mưa lớn kéo dài, thủy điện lại dồn dập xả lũ, liệu có phải là nguyên nhân gây ngập úng các huyện ngoại thành?

1-hn-lut2.jpg
Trận mưa kéo dài cuối tháng 7 đầu tháng 8/2024 khiến 11 xã ngoại thành Hà Nội bị ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh Ngọc Ánh

Nguyên nhân

Nguyên nhân đầu tiên là về vị trí địa lý.

Hà Nội nằm về phía Tây Bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với dân số đạt 8,5 triệu người, diện tích 3.359,82km2, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã (Hình 1). Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23oC nên mỗi năm Hà Nội có lượng mưa trung bình là 1.760mm và nhận được khoảng 1.562 giờ nắng. So với mực nước biển, độ cao trung bình của Hà Nội từ 5 -10m với địa hình dốc dần theo hướng Bắc – Nam và Tây – Đông. Nhiều khu vực ở Hà Nội có cao độ +5m, trong khi lòng sông Hồng có cao độ trung bình từ +7 đến +8m. Chính do địa hình thấp hơn đáng kể (2-3m) so với lòng sông Hồng nên Hà Nội rất dễ bị ngập lụt trong mùa mưa.

Nguyên nhân thứ hai là quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Do quy hoạch không đồng bộ thiếu liên kết vùng nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải… Đô thị hóa thiếu kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng ngập lụt đô thị.

Tại các vùng ven đô, những vùng thấp trũng chứa nước có chức năng điều hòa nước tự nhiên vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nay việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại những vùng này làm mất đi vùng chứa nước, là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt.

Trong nội đô, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Theo số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha. Quá trình đô thị hóa với nhu cầu xây dựng tăng cao đã và đang dẫn tới các sự biến mất của nhiều kênh, rạch, các hồ, ao trong đô thị.

Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa tại các khu vực đô thị không chỉ làm gia tăng lượng nước mưa chảy trên bề mặt vì không thể thấm xuống lòng đất mà còn làm tăng hệ số tiêu gây áp lực cho hệ thống thoát nước.

Đã thế, nhiều nơi việc xuất hiện các đô thị đang trong quá trình phát triển đã trở thành những “đại công trường xây dựng”, việc vận chuyển các vật liệu xây dựng như cát sỏi gây vương vãi, khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm giảm tiết diện tải nước cũng như làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Mặt khác nhiều kênh rạch bị cống hóa và bị san lấp làm giảm hoặc mất thể tích trữ nước.

Hệ số tiêu trong thời gian qua tăng khá lớn nhưng nguồn lực cho đầu tư công trình tiêu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ số tiêu hỗn hợp cho cả các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và các đối tượng phi nông nghiệp khác trong hệ thống thủy lợi hiện tại khoảng 13,5 ÷ 15,0 l/s/ha, tăng lên đến 16,0 ÷ 18,0 l/s/ha năm 2030 và 18,0 ÷ 20,0 l/s/ha vào năm 2050 đối với các kịch bản phát triển nhanh, bền vững; trong trường hợp cực đoan có thể tăng lên đến 25,0 ÷ 30,0 l/s/ha vào năm 2050.

Trong khi hệ số tiêu nước tăng khá lớn theo thời gian thì hệ thống tiêu thoát nước của thành phố (hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ) chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó việc xây dựng hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, việc kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và hệ thống thoát nước cũ còn nhiều bất cập; kết nối liên thông giữa hệ thống thoát nước đô thị với hệ thống tiêu thoát nước của thủy lợi còn nhiều hạn chế, trong khi hệ thống tiêu thoát nước cho nông nghiệp đã được đầu tư từ lâu, hiện cũng đang bị xuống cấp và không đảm bảo tiêu thoát nước.

Ngoài ra, công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước chưa đạt hiệu quả. Nạo vét bùn thải từ sông, kênh, từ mạng lưới còn nhiều hạn chế. Kinh phí dành cho các hoạt động này còn chưa đáp ứng. Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ nhưng thực tế cho thấy nguồn vốn rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA. Sự phối hợp giữa đầu tư xây các công trình hạ tầng kỹ thuật với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ cũng là những nguyên nhân gây phức tạp hơn trong giải quyết vấn đề tiêu thoát nước.

Theo ông Bùi Ngọc Uyên, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay hệ thống thoát nước khu vực đô thị của TP Hà Nội được phân chia làm 4 lưu vực chính bao gồm lưu vực sông Tô Lịch; lưu vực tả sông Nhuệ; lưu vực Long Biên. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch bao gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, phần lớn quận Tây Hồ và một phần quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Khu vực này có hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ với hệ thống thoát nước chính gồm sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu đã được đầu tư cải tạo và trạm bơm đầu mối Yên Sở.

Lưu vực Tả Sông Nhuệ (từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ) gồm một phần quận Hà Đông, Bắc – Nam Từ Liêm. Hệ thống thoát nước hầu hết chưa được đầu tư xây dựng cải tạo, kết nối theo quy hoạch, với hình thức thoát nước chính là tự chảy. Công tác thoát nước lưu vực này phụ thuộc vào các tuyến sông Nhuệ, sông Đáy với trạm bơm Yên Nghĩa đang hoạt động được khoảng 50% công xuất khi mưa lớn.

Lưu vực Long Biên gồm toàn bộ quận Long Biên. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh do hiện nay thoát nước chính tự chảy ra sông Cầu Bây, chưa xây dựng được hai trạm bơm đầu mối theo quy hoạch.

1-hn-lut1.jpg
Mỗi khi mưa lớn gây ngập diện rộng, thuyền chính là phương tiện đi lại của những gia đình sinh sống ven sông Bùi, sông Tích thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Khảo sát của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy nếu mưa to dưới 50mm/h thì thành phố cơ bản không úng ngập; mưa trên 50-70mm/h thì có 11 điểm úng ngập trên các tuyến phố còn khi mưa trên 70mm/h (thiên tai cấp 1) thì Hà Nội có 30 điểm ngập úng.

Theo báo cáo của Viện Khoa học Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thành phố Hà Nội hiện nay được mở rộng có diện tích hơn 3.344 km2, gấp gần 4 lần diện tích thành phố Hà Nội cũ. Các khu đô thị đang ngày càng được mở rộng tuy nhiên hạ tầng tiêu thoát nước chưa được đầu tư tương xứng dẫn đến việc ngập lụt, đặc biệt là các khu mới, khu đang phát triển. Các công trình đầu mối tiêu thoát nước mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các quy hoạch. Các trục tiêu thoát nước chính như sông Nhuệ, Tích, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Cầu Bây và các kênh tiêu nhánh chưa được nạo vét, mở rộng theo yêu cầu, chưa đảm bảo năng lực tiêu thoát nước theo thiết kế.

Ý thức của cộng đồng dân cư xây dựng nhà trái phép, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch, ao hồ, khai thác nước ngầm quá mức và xả rác bừa bãi xuống hố ga, kênh, cống và ra đường dẫn đến bít đường ống tiêu thoát nước làm cho tình trạng tiêu thoát nước càng kém hiệu quả, cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng.

Một nguyên nhân nữa, theo các chuyên gia, nhà khoa học thuỷ nông của Viện Khoa học Thuỷ lợi đó là biến đổi khí hậu đã dẫn đến các trận mưa cực đoan. Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng và có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập lụt ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái La Nina từ tháng 9-11/2024 với xác suất 60-70%. Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ nay đến cuối năm 2024 với kịch bản La Nina tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa, bão ở Trung Bộ nên khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là nguy cơ lượng mưa nhiều, mưa lớn hơn bình thường làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị. Riêng trong tháng 9, chúng ta vẫn phải đối mặt với các đợt mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cần phải cảnh giác ở mức cao.

Đề cập đến cảnh ngập lụt tại mấy huyện ngoại thành Hà Nội những ngày vừa qua, nhiều người cho rằng thủy điện xả lũ chính là nguyên nhân gây ra, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định việc điều tiết vận hành mở các cửa xả đáy các hồ thuỷ điện Hòa Bình, Sơn La không liên quan đến việc ngập lụt ở các khu vực ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ của TP. Hà Nội.

Theo lý giải của ông Luận thì nước từ các hồ thủy điện không chảy vào sông Tích, sông Bùi, sông Đáy mà theo dòng chảy từ sông Đà về sông Hồng và đổ ra biển tại cửa Ba Lạt (Nam Định). Hơn nữa cửa điều tiết lấy nước từ sông Hồng vào sông Tích tại Lương Phú (bao gồm cống lấy nước ở bờ sông và cống phòng lũ qua đê hữu Đà) và hệ thống công trình đầu mối Vân Cốc - đập Đáy (có nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy trong trường hợp đặc biệt) do thời điểm này có nhiều ngày mưa to nên đang đóng.

Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai cho rằng nguyên nhân gây ngập lụt ở một số xã thuộc huyện Chương Mỹ thời gian vừa qua là do mưa lớn kéo dài, lũ rừng từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh (có thời điểm chưa đầy 12 giờ, lũ sông Bùi lên gần 2m, đạt đỉnh lúc 14h/28/7 là 7,43m trên báo động 3 là 43cm), lũ sông Tích đạt đỉnh lúc 13h ngày 24/7 là +8,33m (trên báo động 3 là 33cm).

Đồng thời, do mực nước sông Đáy ở mức cao (do mưa lớn nội tại lưu vực kéo dài nhiều ngày), khu vực nhập lưu từ sông Bùi vào sông Đáy có lòng dẫn co hẹp, vì vậy, việc tiêu thoát nước từ sông Bùi ra sông Đáy chậm, dẫn đến mực nước sông Tích, sông Bùi vượt mức báo động 3 dài ngày dẫn đến ngập lụt một số khu vực có địa hình trũng thấp phía bờ hữu sông Tích, sông Bùi,…

Trong khi đó, cũng dịp này, các hồ thủy điện xả lũ, nhất là việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình khiến nước sông Hồng lớn dẫn đến việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng chậm. Dưới hạ lưu là tỉnh Hà Nam, cũng do mưa lớn nên mực nước sông Đáy cao đã làm chậm khả năng rút nước của sông Bùi, sông Tích. Những yếu tố này cộng lại đã dẫn đến việc nước các sông Bùi, sông Tích lớn, gây ngập úng một số huyện ngoại thành thời gian vừa qua.

1-vs1.jpg
Cấp, phát lương thực, nước uống cho người dân vùng ngập úng

Giải pháp

Theo Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2024, trên các sông: Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ có khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ ở mức báo động II đến báo động III… tiềm ẩn nguy cơ gây ngập lụt tái diễn tại các vùng trũng, thấp, khu dân cư ven các tuyến sông, nhất là các sông: Bùi, Tích chảy qua địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức.

Vì vậy, Hà Nội cần sẵn sàng cho kịch bản ứng phó với tình hình ngập lụt , đặc biệt lưu ý, do mưa lớn và mực nước lũ cao, nhiều tuyến đê trên địa bàn Thành phố đã bị ngâm nước dài ngày, trong đó một số tuyến đê đã xảy ra sự cố.

Được biết từ khi xảy ra ngập lụt tại các huyện ngoại thành, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội luôn tổ chức ứng trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương để có chỉ đạo kịp thời ở cấp cơ sở.

Đối với các sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị duy trì tính chủ động, tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo; sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.

Liên quan đến nguy cơ ngập lụt tái diễn trong trường hợp có mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu các địa phương thuộc vùng trũng, thấp khi xảy ra ngập lụt cần tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn; đồng thời thực hiện các chính sách cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm đời sống nhân dân trên địa bàn đúng quy định…

Ngoài việc sẵn sàng cho kịch bản ứng phó với tình hình ngập lụt, Hà Nội còn cho tiến hành nạo vét, nâng cấp kênh tiêu chống ngập úng tại một số địa bàn như kênh tiêu Phùng Xá - Dị Nậu (huyện Thạch Thất) nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho 382ha đất sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp và dân sinh của các xã trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Luận, về lâu dài, TP. Hà Nội cần có nghiên cứu, tính toán tổng thể và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống lũ sông Bùi, sông Tích, sông Đáy, lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình đổ về để giảm thiểu ngập lụt, ổn định đời sống người dân vùng thấp, trũng. Trong đó, có thể kể đến một số giải pháp như: tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều; xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tiêu, trục tiêu thoát lũ; cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Tích, nhất là khu vực sông Bùi để tăng khả năng thoát lũ ra sông Đáy;…

Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các khu vực thường xuyên bị ngập lũ để nâng cao khả năng chống chịu, hạn chế thiệt hại, kết hợp sơ tán, di dời dân cư tại chỗ. Ngoài ra, cần nghiên cứu tổ chức sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng.

Khi xảy ra mưa lũ, TP. Hà Nội cần có phương án vận hành hệ thống bơm tiêu phù hợp; trong đó cần sự phối hợp giữa Thành phố và các địa phương lân cận (như Hà Nam) để vận hành các công trình thủy lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê để hạ thấp mực nước sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng khả năng rút nước cho sông Bùi, sông Tích.

1-vs.jpeg
Sẵn sàng kịch bản ứng phó với tình hình ngập lụt, Hà Nội còn tiến hành nạo vét, nâng cấp kênh tiêu chống ngập úng tại một số vùng ngoại thành

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Thuỷ lợi, để ứng phó với vấn đề ngập lụt đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang áp dụng các biện pháp bao gồm: Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên.

Ở Hà Lan, Room for the River là một kế hoạch thiết kế của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề lũ, ngập lụt, tạo cảnh quan tổng thể và cải thiện điều kiện môi trường ở các khu vực xung quanh các con sông của Hà Lan. Dự án hoạt động từ năm 2006–2015.

Nhằm giúp Thủ đô Tokyo không bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một trong những hệ thống ngầm chống ngập lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm có tên Kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị (G-cans) của Nhật Bản được ví như một chiếc phễu, hứng nước từ các khu vực chung quanh rồi đổ ra sông Edogawa qua một đường hầm dài 6,3km, nằm sâu 50m dưới lòng đất. Ngoài các giải pháp công trình thì hiện nay trên thế giới đang áp dụng nhiều giải pháp phi công trình khác trong giải quyết bài toán ngập lụt, úng đô thị.

Ở Hà Nội, cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Phân lưu vực tiêu thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập lụt để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực nhấp nhận việc sống chung với ngập lụt để có giải pháp cảnh báo cho người dân khu vực này phòng tránh an toàn và hiệu quả. Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch. Lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị để quản lý xây dựng. Không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố. Nâng cao năng lực của chính quyền đô thị, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý trong việc vận hành công trình tiêu thoát có năng lực chuyên môn, có tầm nhìn, có khả năng dự báo và có khả năng giải quyết hiệu quả các công việc cụ thể xảy ra. Rà soát, sửa đổi bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức, dự toán … có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và quản lý hệ thống tiêu thoát nước. Cần tăng cường công tác quản lý hệ thống tiêu thoát nước, đặc biệt là kênh mương để đảm bảo năng lực tiêu thoát, áp dụng quản lý hệ thống tiêu thoát nước thông minh, hiện đại.

Giải quyết một cánh căn cơ được những giải pháp trên, chắc chắn Hà Nội sẽ giảm thiểu đáng kể tình hình ngập lụt sau mưa lớn như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
La Nina và những tác động đến Việt Nam – Bài 3: Ngập úng tại các huyện ngoại thành Hà Nội - Nguyên nhân và giải pháp