Phó Chủ tịch xã Lùng Vai, Vàng Việt Trung lắc đầu ngao ngán: Mực nước tại hồ thủy lợi thôn Tảo Giàng (nơi cung cấp nước tưới cho hơn 25 ha lúa dưới chân đập) giảm mạnh từ độ sâu hơn 5m giờ xuống chỉ còn gần 1m. Ngoài ra, 9/11 công trình cung cấp nước sinh hoạt của xã cũng đang trong tình trạng cạn kiệt nước nghiêm trọng từ nhiều ngày qua. Hiện tại, hàng chục ha ruộng lúa của người dân các thôn Bồ Lũng, Giáp Cư, Trung Tâm, Lùng Vai, Tảo Giàng đã nứt nẻ, có thể chạy bộ trên ruộng. Người dân muốn dùng mọi biện pháp cứu lúa nhưng không ở đâu có nước để lấy.
Đang miệt mài bốc những nắm bùn để bịt lỗ thủng của mương nước tại cánh đồng thôn Tảo Giàng, bà Vương Thị Kim, lo lắng chia sẻ: Cả tuần nay, gia đình tôi mất ăn mất ngủ để ra đồng canh nước đưa về ruộng. Nếu trời tiếp tục không có mưa, chỉ một hai ngày nữa, ruộng lúa của gia đình sẽ không còn cơ hội cho thu hoạch. Mấy chục năm qua, bây giờ tôi mới thấy xảy ra đại hạn như vậy.
Nhiều diện tích ngô ở thôn Bồ Lũng cũng đang trong cảnh héo lá chờ mưa. Theo người dân địa phương, mọi năm, dịp này ngô đã phun râu và lên cao vượt đầu người. Nhưng năm nay hạn hán, từ lúc trồng đến giờ chưa có mưa, nên cây ngô còi cọc không lên nổi. Thậm chí bây giờ nhiều ruộng ngô đã héo lá.
Anh Vương Đức Tiến, thôn Bồ Lũng cho biết: Hạn hán kéo dài đã khiến cho diện tích lúa (hơn 3 sào) và ngô (0,3 ha) của gia đình đang héo đi từng ngày. Dù đã cố gắng tìm nguồn nước để bơm về nhưng ngặt nỗi các khe, suối, hồ, ao đều trong thôn đã cạn khô, đành bất lực chờ nước trời. Nếu một vài ngày nữa trời không mưa thì coi như vụ này trắng tay.
Theo thống kê, xã Lùng Vai hiện có 92 ha lúa vụ xuân, 1.057 ha chè, 300 ha ngô và 300 ha cây giống khác đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Những ngày vừa qua, đến bất kỳ thôn nào trong xã, dù đêm hay ngày đều gặp cảnh người dân đua nhau đi chia nước, canh lấy nước. Bên sườn đồi, dưới chân ruộng, người dân ngồi trực nước suốt ngày đêm. Để có nước chống hạn cho lúa, nhiều hộ dân còn chấp nhận vét ao, bán cá non (cá chưa đến kỳ thu hoạch) để bơm nước cứu lúa, song cũng chỉ như muối bỏ bể. Vì các chân ruộng nứt nẻ, nước bơm về đến đâu thấm hết đến đó.
Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất mà nước cho sinh hoạt cũng đang thiếu nghiêm trọng. Khu vực đầu nguồn của xã Lùng Vai, nước từ khe núi chảy vào bể chứa rất ít, trong khi mực nước trong bể đã cạn đến đáy không thể cấp cho hệ thống phía dưới. Được biết, đây là hệ thống cấp nước sinh hoạt cho gần 500 hộ dân các thôn phía dưới trung tâm xã.
Chị Vương Thị Hiền, thôn Tảo Giàng, cho biết: Nhiều ngày nay, gia đình chị phải dùng xe máy mang can nhựa đến đoạn suối cách nhà gần 5 cây số để lấy nước về phục vụ sinh hoạt. Đời sống vốn đã khó khăn giờ thêm chật vật, vì phải mất thêm tiền mua xăng, dùng xe máy chở nước và máy bơm tưới cho cây lúa.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Lùng Vai có gần 1.000 hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, tập trung nhiều nhất tại các thôn Bồ Lũng, Giáp Cư, Trung Tâm, Lùng Vai, Tảo Giàng.
Trước tình trạng trên, để chủ động chống hạn, lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, UBND xã Lùng Vai lên phương án điều tiết nước hồ chứa Tảo Giàng và các công trình thuỷ lợi tại các thôn để ưu tiên nước tưới cho diện tích hạn nặng và điều tiết việc cấp nước sinh hoạt luân phiên.
Theo đó, đối với hồ chứa Tảo Giàng, UBND xã chỉ đạo tổ quản lý vận hành phối hợp với tổ thuỷ nông của thôn thực hiện điều tiết nước ở mức vừa đủ để tưới tiêu và chỉ tháo nước từ hồ ra kênh thủy lợi vào ban ngày (từ 6h - 18h) để đảm bảo người dân có thể lấy nước một cách triệt để… Xây dựng thêm đập phụ ở bên dưới đập của công trình thuỷ lợi thôn Bồ Lũng để tận thu nước thừa từ đầu nguồn về để bổ sung cho diện tích ruộng phía dưới…
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, UBND xã đã lập các tổ công tác, về các thôn họp dân để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các phương án cấp nước mà xã đã xây dựng, thực hiện đúng lịch lấy nước của từng thôn, từng khu ruộng; sửa chữa hệ thống mương máng để tránh thất thoát nước.
Đối với việc cấp nước sinh hoạt của các thôn, UBND xã thống nhất với Công ty TNHH dịch vụ cấp nước Lào Cai tổ chức điều tiết nước bằng cách lấy nguồn nước bổ sung từ hệ thống thủy lợi đưa về bể lắng, sau đó xử lý để cấp vào hệ thống phục vụ nhân dân.