Mê Linh (Hà Nội): Hàng nghìn m2 đất bị lấn chiếm xây dựng trái phép

Nhóm PV|19/09/2020 00:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đó là thực trạng đang xảy ra tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội. Trong khi đó những mong muốn thiết thực, chính đáng của người dân không được chính quyền giải quyết gây bức xúc trong dư luận.

Xem VIDEO: Người dân tố cáo chính quyền xã Văn Khê buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng

Phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, người dân xóm Trại B, thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội cho biết: Suốt từ năm 2010 đến nay, hàng nghìn m2 đất khu ao Hoa Tràng đã bị các cá nhân lấn chiếm xây dựng nhà kiên cố trên đất đấu giá. Sở dĩ các cá nhân có thể “vô tư” lấn chiếm đất một cách công khai như vậy là do UBND xã Văn Khê đã “thờ ơ”, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, xây dựng nên đã khiến cho tình hình vi phạm diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Trong khi đó mong mỏi của người dân xóm Trại B là có một nhà văn hóa để làm nơi hội họp, sinh hoạt của các hội, đoàn thể cũng như khu vui chơi thể thao văn minh cho các cháu thì không được UBND xã Văn Khê quan tâm giải quyết. Dù người dân đã có đơn gửi tới UBND xã Văn Khê, UBND huyện Mê Linh vào cuộc giải quyết sự việc trên và kiến nghị rất nhiều trong các cuộc họp HĐND nhưng UBND xã cũng chằng buồn “ngó ngàng”, “quả bóng trách nhiệm” cứ bị đá đi lòng vòng từ xã lên huyện và ngược lại.

Để xác minh sự việc và ghi nhận những thông tin phản ánh của người dân, PV Moitruong.net.vn đã tìm về gặp bà con nhân dân xóm Trại B. Gặp được PV bà con nơi đây vui mừng khôn xiết bởi những nỗi bức xúc, tâm tư nguyện vọng suốt 10 năm qua đã được bộc bạch, chia sẻ. Người dân cũng thi nhau “vạch” ra những sai phạm của UBND xã Văn Khê trong công tác quản lý đất đai nhiều năm qua.

Mong muốn thiết thực của người dân

Bác Nguyễn Thị Sơn – Trưởng xóm Trại B chia sẻ: “Xóm Trại B chúng tôi có gần 300 hộ dân, đất chật người động. Vì vậy, bà con nhân dân trong xóm rất mong muốn có nhà văn hóa để mỗi khi có những chỉ đạo của UBND xã thì còn có nơi hội họp đàng hoàng và khu vui chơi cho các cháu. Bao nhiêu năm nay toàn phải đi họp nhờ, nhưng tối đến các cháu thì còn phải học hành, gia đình thì đi làm vất vả cả ngày rồi, đến nhờ người ta rất khó khăn, nhiều lúc họp mà không có nơi nào để họp. Thôn Khê Ngoại có 10 xóm thì chỉ còn xóm Chùa A và Trại B chưa có nhà văn hóa. Khu đất ao Hoa Tràng rộng hơn 4000m2 đang bị các cá nhân lấn chiếm nhiều năm nay. Chúng tôi đã làm đơn gửi UBND xã Văn Khê và UBND huyện Mê Linh xin cấp một số diện tích đất ở ao Hoa Tràng để làm nhà văn hóa nhưng xã lại gửi lên huyện, huyện gửi lên thành phố, thành phố lại gửi về huyện, huyện lại gửi về xã, cứ như 1 vòng luẩn quẩn đến giờ các đồng chí cũng chưa giải quyết cho, khiến nhân dân trong xóm rất bức xúc. Qua cơ quan báo chí, chúng tôi mong muốn đưa tiếng nói của người dân tới cơ quan chức năng giải quyết một diện tích đất cho xóm Trại B để làm nhà họp xóm và khu vui chơi giải trí thể thao cho các cháu thiếu niên nhi đồng”.

“Khi người dân đổ đất xây nhà trái phép tại ao Hoa Tràng xã cũng triệu tập, lập văn bản xử phạt nhưng đâu rồi lại đóng đấy, nhà này học nhà kia cứ thế sai phạm ngày càng lớn”, bác Sơn chia sẻ thêm.

Bác Nguyễn Thị Sơn – Trưởng xóm Trại B chia sẻ: Người dân đã làm đơn gửi UBND xã Văn Khê và UBND huyện Mê Linh về tình trạng lấn chiếm đất xây dựng trái phép tại khu ao Hoa Tràng và xin cấp một số diện tích đất để làm nhà văn hóa nhưng chưa được giải quyết

Cụ Nguyễn Văn Bàn, 81 tuổi – Thường trực ban chấp hành Hội người cao tuổi xã Văn Khê cho biết: “Khu ao Hoa Tràng trước kia rộng mênh mông, bao la nhưng giờ đã bị lấn chiếm gần hết rồi. Vì vậy, người dân trong xóm tha thiết mong xã thu hồi đất lấn chiếm của các hộ dân và giải tỏa chợ gom ở ngoài đê xuống Hoa Tràng. Vì chợ đặt ở đó rất nguy hiểm, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra gãy tay ở đó rồi. Nếu di dời được chợ gom xuống Hoa Tràng và xây nhà văn hóa thì thôn xóm sẽ văn minh, lịch sự hơn và an ninh, an toàn cũng được đảm bảo. Ấy vậy mà, trong cuộc họp HĐND nào chúng tôi cũng góp ý mang tính xây dựng rất nhiều lần, viết đơn cũng rất nhiều lần nhưng không được giải quyết. Vậy, phía sau sự buông lỏng quản lý của xã Văn Khê là vấn đề gì, có gì đằng sau không? Lãnh đạo xã ngày nào cũng đi qua, sáng đi trưa về, chiều đi tối về mà không giải quyết được mong mỏi của người dân thì hỏi có còn đủ tư cách làm lãnh đạo không?”.

Cụ Nguyễn Văn Bàn, 81 tuổi – Thường trực ban chấp hành Hội người cao tuổi xã Văn Khê tha thiết mong xã thu hồi đất lấn chiếm của các hộ dân và giải tỏa chợ gom ở ngoài đê xuống Hoa Tràng

Bà Trương Thị Hương, người dân xóm Trại B chia sẻ: “5 năm trở lại đây “phong trào” lấn chiếm đất ở thôn Khê Ngoại xảy ra ngày càng nhiều. Dân chúng tôi tin tưởng bầu ra cán bộ để giải quyết công việc trong thôn, trong xã. Thế nhưng, những năm gần đây dân tình lấn chiếm đất để ở và bán qua tay rất nhiều, cứ 2 triệu – 2,5 triệu/m2 mà không cần giấy tờ gì cả nhưng cán bộ xã bỏ bê kiến nghị của người dân, lập biên bản xong đâu vẫn đóng đấy. Hiện người dân xóm Trại B họp hành khó khăn thế này chúng tôi làm đơn đề nghị xã cấp đất để người dân góp tiền xây nhà văn hóa nhưng xã không giải quyết. Chúng tôi bầu ra chính quyền để nhờ vào Đảng, vào cán bộ mà không ai giải quyết thì chúng tôi biết trông cậy và tin vào ai?”.

Ông Nguyễn Văn Y – Chi hội phó Hội người cao tuổi xóm Trại B bộc bạch: “Khu ao Hoa Tràng để dân lấn chiếm xây nhà, trồng cây gần hết. Khu dân cư thì không có nhà văn hóa để hội họp. Chúng tôi đã đề nghị lên đề nghị xuống với xã, huyện rất nhiều lần về việc giải quyết cho xóm Trại B 1 số diện tích đất khu Hoa Tràng để làm nhà văn hóa nhưng không giải quyết cho người dân mà cứ khất lần khất lượt hết Covid rồi qua đại hội Đảng, nhưng đến bây giờ thì vẫn không ai giải quyết cho. Khu Gáo Bãi, Hoa Tràng bị lấn chiếm nhiều năm qua nhưng cán bộ làm ngơ, người ta đổ ngày đổ đêm như thế, máy móc hoạt động san ủi ầm ầm mà chính quyền không có ý kiến gì. Như vậy có lấy được lòng tin của người dân nữa không?”.

Ông Nguyễn Văn Y – Chi hội phó Hội người cao tuổi xóm Trại B bộc bạch: Khu Gáo Bãi, Hoa Tràng bị lấn chiếm nhiều năm qua nhưng cán bộ làm ngơ, người ta đổ ngày đổ đêm như thế, máy móc hoạt động san ủi ầm ầm mà chính quyền không có ý kiến gì. Như vậy có lấy được lòng tin của người dân nữa không?

Bên cạnh đó, người dân nơi đây cho biết, luôn muốn xây dựng làng xã văn hóa nhưng đất đai thì dân cứ lấn chiếm hết. Chúng tôi mà xây dựng gì thì lập tức UBND xã điều công an chính quy ra có ý kiến ngay, ấy thế mà các hộ lấn chiếm đất đai như vậy thì xã lại im lặng?. Vậy, không hiểu phía sau thái độ im lặng đấy là gì? Những người lấn chiếm đất đai ở thôn Khê Ngoại toàn là những người có máu mặt, phải chăng UBND xã Văn Khê có “cái gì” trong đó thì mới bơ đi như vậy?

Khu ao Hoa Tràng đã bị người dân lấn chiếm với diện tích lớn

Nhiều cá nhân lấn chiếm xây dựng nhà kiên cố nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để

Ghi nhận của PV tại khu ao Hoa Tràng có những nhà đã xây dựng 1-2 tầng kiên cố và ổn định, một số diện tích đất người dân trồng cây. Mặc dù trong hành lang bảo vệ đê nhưng dưới chân đê và trên mặt đê các hàng quán tự phát với đầy đủ mặt hàng kinh doanh buôn bán “mọc” lên rất nhiều. Người bán kẻ mua tấp nập dẫn đến giao thông khu vực này thường xuyên lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Có những cơ sở giết mổ gà nước thải đổ tràn lan trực tiếp ra môi trường. Rác thải tập kết trên mặt đê ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Thậm chí có cơ sở thẩm mỹ còn ngang nhiên đặt container ngay sát chân đê để hành nghề mà không vấp phải sự vào cuộc xử lý của bất kì cơ quan chức năng nào.

Chợ tự phát trên đê “mọc” lên đã nhiều năm gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Hoạt động giết mổ gà, vịt của người dân xả thải trực tiếp gây nguy cơ ô nhiễm môi trường

Cơ sở thẩm mỹ này còn ngang nhiên đặt container ngay sát chân đê để hành nghề. Liệu hoạt động thẩm mỹ của cơ sở này đã được cấp phép chưa?

Chính quyền buông lỏng quản lý, có biểu hiện trốn tránh báo chí

Đem những bức xúc, câu hỏi của người dân tới UBND xã Văn Khê với mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thế nhưng khi PV vào phòng ông Lưu Văn Quân – Chủ tịch UBND xã Văn Khê thì không thấy người đâu nhưng vẫn bật điều hòa bình thường, khi hỏi một đồng chí cán bộ xã thì nói rằng chủ tịch đang ở bộ phận một cửa. Nhưng khi xuống bộ phận một cửa cũng không thấy đồng chí chủ tịch đâu và gọi điện thì không liên lạc được. Phải chăng ông Quân biết được sự có mặt của PV nên đã né tránh trách nhiệm?

Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Như – Phó chủ tịch HĐND xã Văn Khê cho biết: Xã đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép tại khu Hoa Tràng. Trước đại hội Đảng UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo xã hoàn thiện hồ sơ để xử lý cưỡng chế rồi. Xã đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế, khép hồ sơ xong để xử lý rồi nhưng huyện lại có văn bản tạm dừng cưỡng chế để làm rõ thêm kiến nghị của các hộ liền kề khi cắm mốc giới vì người ta chưa đồng thuận.

Ông Nguyễn Văn Như – Phó chủ tịch HĐND xã Văn Khê cho biết: Theo chỉ đạo của UBND huyện trong năm nay sẽ tập trung xử lý cưỡng chế khu ao Hoa Tràng

Về nguồn gốc đất thì năm 2006 khi còn ở Vĩnh Phúc thì khu Hoa Tràng được đưa vào quy hoạch 11 điểm đấu giá, nhưng xã chưa làm được. Sau đó khi chuyển về Hà Nội lại khúc mắc về chỉ giới thoát lũ nên chưa đấu giá được. Một số hộ giáp khu đất có lấn chiếm, vừa rồi xã đã cắm mốc giới để phân định rõ đất tập thể. Các hộ lấn chiếm phải hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Huyện có chủ trương sau khi cưỡng chế xong sẽ làm sân chơi cho các cháu để quản lý.

Còn về vấn đề xây dựng nhà văn hóa xóm Trại B thì sau khi chuyển về Hà Nội thì khu Hoa Tràng nằm vào đường vành đai 4 và vùng thoát lũ, thành phố Hà Nội chưa cắm phân định vùng thoát lũ cho nên việc xây dựng nhà văn hóa chưa được, ông Như thông tin.

Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra, vì sao các hộ dân đã lấn chiếm đất xây dựng nhà kiên cố tại khu Hoa Tràng đã nhiều năm rồi nhưng đến nay xã không xử lý mà lúc nào cũng đang trong trạng thái “đang hoàn thiện hồ sơ” như vậy xã Văn Khê đã làm hết trách nhiệm, kiên quyết xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng hay chưa?

Ông Như cho rằng: Xã tập trung làm quyết liệt, xử lý nhiều đấy nhưng khu vực này không phải tồn tại mới đây mà nhiều năm rồi.

Nếu chính quyền đã thực sự làm quyết liệt, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân thì đã không để xảy ra tình trạng đơn thư, kiến nghị kéo dài như vậy. Theo phản ánh của người dân, không chỉ khu ao Hoa Tràng bị lấn chiếm mà còn nhiều khu vực khác trên địa bàn xã Văn Khê cũng đang bị các cá nhân lấn chiếm xây nhà, dựng xưởng trái phép: Khu Gáo Bãi, khu ao Xích Phông Cổng Trại, khu Miếu Bơi. Có những khu diện tích bị lấn chiếm lớn hơn nhiều so với khu Hoa Tràng.

Trước câu hỏi của PV về hạn xử lý, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép tại khu Hoa Tràng đến bao giờ và hiện có nhà Phú Huệ đang hoàn thiện nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa thì ông Như trả lời cái đấy phải hỏi chủ tịch vì kế hoạch cưỡng chế do UBND thực hiện, HĐND chỉ giám sát. Nhưng hướng xử lý theo chỉ đạo của UBND huyện trong năm nay sẽ tập trung xử lý cưỡng chế.

Người dân nơi đây còn ví von, giá mà việc xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng của UBND xã Văn Khê cũng cương quyết, triệt để ngay từ đầu như chống dịch Covid 19 thì có phải tình trạng vi phạm đã không bùng phát nghiêm trọng như thế này!.

Phải chăng các đơn vị lấn chiếm đất xây dựng trái phép đã “đi đêm” với UBND xã Văn Khê, UBND huyện Mê Linh, có hay không “lợi ích nhóm” ở đây?

Đề nghịThành ủy, UBND Tp. Hà Nội đạo các Sở ngành chức năng cùng UBND huyện Mê Linh thanh kiểm tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất đai tại xã Văn Khê, xử lý nghiêm các sai phạm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan có biểu hiện “dung túng”, bao che cho sai phạm để đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn và lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mê Linh (Hà Nội): Hàng nghìn m2 đất bị lấn chiếm xây dựng trái phép
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.