Mô hình nào để bảo vệ an ninh nguồn nước hiệu quả?

Phương Nhy (T/h)|26/10/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện cả nước có tới 813 đô thị lớn nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý nguồn nước hầu như chưa được chú trọng đúng mức.

Tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý nguồn nước

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước sạch, thừa nước thải, ngập lụt triền miên diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều đô thị, dù đã tiêu tốn nhiều triệu đô la khắc phục.

Theo GS-TS. Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam), không chỉ nước mặt, nước ngầm cũng suy kiệt với tốc độ quá nhanh do bị khai thác và xây dựng. Điển hình như tại Hà Nội, bao dự án khởi công từ nhiều năm vẫn dang dở ngổn ngang, như dự án mở cống ở Long Phú (Ba Vì) để lấy nước chảy vào sông Đáy đến 7-8 năm mà nay vẫn chỉ thấy “mấy cọc bê tông trơ sắt rỉ”.

GS-TS. Phạm Hồng Giang bức xúc: “Những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm nước mặt, nước thải không được xử lý, thiếu nước dùng hợp vệ sinh…”. GS Giang cho rằng việc quản lý đô thị hiện quá tập trung cho xây dựng, bất động sản, nhiều khi “xây nhà trước khi có đường, có đường rồi lại đào đường làm cống thoát nước…” nên hậu quả càng nghiêm trọng.

Ông Trần Trung Chính (Trưởng ban Thông tin – Truyền thông của Tổng hội Xây dựng Việt Nam) đã đưa ra so sánh để nhận biết sự khác biệt căn bản giữa cách quản lý nước ở Việt Nam với Hà Lan (quốc gia có 1/3 diện tích nằm dưới mực nước biển). Cụ thể, Hà Lan quản lý nước theo lưu vực sông – biển, chứ không quản lý theo địa giới hành chính, và quản lý tổng thể hệ sinh thái nước chứ không quản lý theo chức năng riêng rẽ.

Tại Việt Nam, hiện có 6 Bộ tham gia quản lý nước, gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Công Thương và ít nhất một chính quyền tỉnh (nơi sông chảy qua). Quá nhiều cơ quan quản lý nên các dữ liệu phân tán, không thống nhất số liệu và thường không công khai. Thêm một bất cập nữa, Việt Nam xây dựng các kế hoạch 5 năm, hoàn thành xong mới có kế hoạch 5 năm tiếp. Tư duy ngắn hạn đó mâu thuẫn với các kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu vốn cần dài hạn (Hà Lan đã xong kế hoạch dài hạn và đang thực hiện đối phó với mực nước biển dâng 1,3m vào năm 2100).

“Không khí, đất và nước là ba tài nguyên dù giàu có đến mấy con người cũng không thể làm ra. Và chỉ từ quan niệm đúng về nước mới có thể thiết kế mô hình quản lý nước hiệu quả”, là kết luận của ông Chính.

Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng (Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam), vấn đề quản lý nước đô thị đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ tốc độ đô thị hóa cao: “Hiện nay, để phục vụ nước cho các đô thị, mỗi ngày đêm đang khai thác khoảng 8,7 triệu m3 nước. Việc khai thác làm suy kiệt nguồn, nhiễm mặn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước ngầm. Hiện mực nước ngầm tụt xuống nhanh, lưu lượng khai thác buộc giảm đi, nhưng nước mặt đã ô nhiễm cũng tràn xuống bù lại lượng nước bị sụt giảm gây ô nhiễm luôn cả nước ngầm”. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, trước đây các nhà máy rất “ngại” xử lý nước mặt do có nhiều chất hữu cơ, kim loại nặng… nhưng hiện nay, công nghệ tiến bộ cho phép xử lý nước mặt tốt hơn. Riêng Hà Nội, ngoài nước mặt sông Đà, tới đây phải có thêm nhà máy nước lấy từ nước sông Hồng.

Việc quản lý nguồn nước tại các đô thị ở nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và kém hiệu quả

Giải pháp từ mô hình PPP

Ông Vũ Thanh Tùng (Chủ tịch Hội Tin học xây dựng Việt Nam) khẳng định, bằng các kỹ thuật mới, hoàn toàn có thể tính toán, phân vùng để quản lý nước theo lưu vực nếu có đủ dữ liệu. Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhận xét, do quản lý nước của Việt Nam phân mảnh, quá nhiều cơ quan tham gia, nên dữ liệu nằm mỗi nơi một ít, thậm chí có hiện tượng không chia sẻ dữ liệu cho nhau. Vậy nếu không thay đổi cơ chế quản lý, thì dẫu có công nghệ tiên tiến cũng vô ích.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho rằng để giải quyết, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý môi trường, cần có những giải pháp ưu tiên nhằm từng bước khắc phục, giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm như kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các nguồn phát tán bụi và khí thải; nạo vét, khơi thông dòng chảy của các sông, kênh mương nội thành; tăng cường xử lý nước thải, chất thải đô thị; cải thiện, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị và triển khai quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

Ông Thùy nhấn mạnh: “Song song với đó, cần thực hiện các giải pháp tổng thể để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực đô thị, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đó cũng là những định hướng đã được đặt ra tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường đô thị”.

Theo Tiến sỹ Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cả nước hiện có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,7 triệu m3/ngày đêm.

Hiện có 85,5% dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung; 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h và 30% còn lại chỉ cấp từ 8-20 giờ/ngày đêm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại Việt Nam vẫn cao, bình quân 22,5%. Lĩnh vực cấp thoát nước đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi đó, ngân sách hạn hẹp nên không thể chỉ trong đợi từ nguồn đầu tư này.

Để giải quyết vấn đề nguồn lực, ông Paul Smith – Giám đốc Hợp tác quốc tế (Hiệp hội Nước của Australia) cho rằng, các đối tác trong khối tư nhân có thể mang lại những cải tiến cho ngành nước. Tuy nhiên, phần lớn những cải cách lại chỉ tập trung vào cơ chế, quy định, trong khi vẫn tồn tại nhiều thách thức.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã sử dụng hình thức mô hình hợp tác công tư (PPP) trong hơn 20 năm qua vì 3 lý do.

Trước tiên là đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ liên quan đến cơ sở hạ tầng; tiếp đó, bằng cách chuyển đổi gánh nặng tài chính sang nhà đầu tư tư nhân, PPP giúp Chính phủ làm được nhiều việc hơn mà không tốn nhiều nguồn lực; đặc biệt, PPP góp phần thúc đẩy hiệu quả trong cung cấp dịch vụ – ông Paul Smith dẫn chứng.

Theo đó, PPP không phải là câu trả lời cho các yếu điểm trong xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

Những mô hình PPP thành công đòi hỏi việc phân bổ rủi ro cẩn trọng và môi trường tạo điều kiện. Có rất nhiều lựa chọn mô hình PPP, mỗi lựa chọn có mức độ tham gia của khối tư nhân khác nhau.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những lựa chọn để phù hợp với tình hình thực tế, nguồn lực… nhưng đều hướng tới mục tiêu quản lý nước một cách thông minh hướng nhằm tới sự phát triển bền vững.

Phương Nhy (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mô hình nào để bảo vệ an ninh nguồn nước hiệu quả?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.