Trước thực tế đó, ngành y tế triển khai giảm thiểu chất thải nhựa với mục tiêu dần chấm dứt sử dụng liệu nhựa và nilon khó phân hủy trong các cơ sở y tế.
Một số BV tuyến Trung ương ký cam kết hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong đơn vị
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa. Lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các BV, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao…
“Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, ngành y tế đã ban hành Chỉ thị về giảm thiếu chất thải nhựa trong ngành y tế và triển khai trong toàn ngành tới tất cả 63 tỉnh, TP thông qua hội nghị trực tuyến được tổ chức mới đây. Tại hội nghị, 63 tỉnh, thành cũng diễn ra lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa GĐ Sở Y tế với GĐ các BV trực thuộc ngành.
Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân và người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật liệu, đồ dùng trong y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho khoảng hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện bệnh nhân thường đi kèm theo 1-2 người nhà, đa số chất thải nhựa ở các BV là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Chất thải nhựa đang là vấn đề gây ô nhiễm môi trường trên toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy của nó. Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo Thống kê của Ủy ban Châu Âu, ước tính 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng khoảng 4,8 -12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.
Những vật liệu thân thiện với môi trường được trưng bày tại triển lãm của Bộ Y tế.
Tại Việt Nam, chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường là vấn đề báo động. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến, lượng chất thải rắn phát sinh từ các BV, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó 10% là chất thải y tế nguy hại. Con số rác thải tiếp tục tăng lên tại nhiều địa phương, do có sự gia tăng số lượng cơ sở y tế các các giường bệnh. Trong số đó có một số loại nhựa sử dụng trong y tế thuộc diện khó phân hủy, nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho môi trường, tác động tới sức khỏe con người, làm thiệt hại 3-5% GDP của toàn quốc.
Vì vậy, hai Bộ trưởng đều kêu gọi sự chung tay của các cấp, các ngành, của người dân trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đồng thời, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh/TP trên cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân,… phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế phải đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá BV xanh – sạch –đẹp và chất lượng BV, trong mua sắm trang thiết bị vât tư tiêu hao, đấu thầu thuốc, sản xuất thuốc…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị y tế tại 63 điểm cầu địa phương đã ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa 1 lần có thể thay thế bắt đầu từ hôm nay.
Tú Anh (T/H)