Theo Reuters, bão Haikui đã suy yếu nhưng các đám mây bão di chuyển chậm từ Quảng Đông đến Quảng Tây, làm ngập lụt các khu vực trũng thấp, cản trở giao thông và khiến người dân mắc kẹt.
Tại huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, lực lượng cứu hộ dùng thuyền để đưa người dân đến nơi an toàn từ tối 10/9. Có nơi nước ngập sâu tới 2 m. Mưa lớn dự báo tiếp tục ở Quảng Tây trong vài ngày tới.
Dù Haikui đã suy yếu thành sau khi đổ bộ tỉnh Phúc Kiến vào ngày 5/9 nhưng hoàn lưu của nó vẫn ảnh hưởng mạnh tới miền Nam Trung Quốc. Thành phố đông dân Thâm Quyến bị ngập lụt bởi trận mưa lớn nhất kể từ năm 1952. Tiếp đó, Hongkong (Trung Quốc) cũng hứng chịu lượng mưa tồi tệ nhất trong vòng 140 năm qua.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng những cơn bão đổ bộ vào Trung Quốc đang trở nên dữ dội hơn, đường đi của chúng ngày càng phức tạp hơn và làm tăng nguy cơ thảm họa thiên tai, ngay cả với các thành phố ven biển như Thâm Quyến, nơi thường xuyên đối mặt với bão nhiệt đới và đã có khả năng phòng chống lũ lụt mạnh mẽ.
Ngoài Quảng Châu và Thâm Quyến, các thành phố khác trong vùng tam giác Châu Giang đều chịu ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều nơi đã ban bố cảnh báo màu đỏ về tình trạng mưa bão.
Các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp để ứng phó với mưa bão, ngập lụt như cho học sinh các cấp nghỉ học, ngừng vận hành các tuyến tàu điện ngầm, sơ tán người dân từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Thành phố Thâm Quyến công bố chính sách hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn do thời tiết mưa bão cực đoan.