Nạn san lấp ao, hồ tại Hà Nội (Bài 1): Nhiều ao, hồ tự nhiên đang dần biến mất

Thanh Thảo|03/05/2024 15:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố. Chủ trương này được đánh giá là điều cần thiết để bảo vệ ao, hồ của thủ đô. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay hàng loạt ao, hồ vẫn đã và đang bị lấn chiếm, ô nhiễm trầm trọng, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Trong suốt chiều dài lịch sử, hệ thống cây xanh, ao, hồ luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người dân thủ đô. Các chức năng sinh thái chính của ao, hồ ở Hà Nội bao gồm điều hòa nước mưa, giảm thiểu ngập úng. Nhiều hồ còn là cảnh quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các khu vui chơi giải trí đặc biệt là trong các dịp lễ hội. Nhiều địa danh hồ gắn liền với các khu di tích lịch sử, đình chùa, được xem là các địa điểm tâm linh có ý nghĩa quan trọng của Hà Nội. 

anh-1-1-.jpg
Hệ thống cây xanh, ao, hồ luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người dân thủ đô

Mang nhiều ý nghĩa như vậy nhưng trong vài thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng dân số đã tạo ra những tác động tiêu cực lên hệ thống hồ, ao, đầm của Hà Nội. Ba nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái đang tiếp diễn tại các hồ là: chất thải sinh hoạt bị lắng lưu, nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý bị thải thẳng xuống hồ và sự xâm lấn của quá trình đô thị lên các hồ. 

Trong đó, quá trình đô thị hoá dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng đã biến ao, hồ đã trở thành một trong những mục tiêu của nạn lấn chiếm, san lấp. Các ao, hồ chưa được kè hoặc chỉ kè một phần luôn đứng trước nguy cơ bị san lấp để làm dự án, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt. Thực trạng này cũng đã nhiều lần được người dân phản ánh và kiến nghị, các phương tiện truyền thông đưa tin, tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa chấm dứt. 

Số lượng ao, hồ bị thu hẹp đã gây ra rất nhiều hệ lụy như: ngập lụt, ô nhiễm không khí, hệ sinh thái bị ảnh hưởng, chất lượng cuộc sống của cư dân khu vực bị giảm sút… Nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ. 

anh-2-1-.jpg
Số lượng ao, hồ bị thu hẹp đã gây ra rất nhiều hệ lụy

Theo TS. Lê Xuân Thái - Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đô thị, mặt nước đóng vai trò quan trọng về mặt môi sinh, cảnh quan, bể chứa nước giúp hạn chế ngập lụt. Hiện nay, các đô thị phần lớn đều đã bê tông hóa gần hết diện tích bề mặt, chỉ còn ao, hồ, mặt nước giữ được tính thấm của đất. Vì vậy, việc giữ được diện tích mặt nước sẽ giúp lượng nước ngầm của khu vực được ổn định, đảm bảo an ninh nguồn nước cho thủ đô. 

Số lượng ao, hồ ngày càng giảm dần

Theo thống kê, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm tới hơn 203ha, bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xóa sổ. Mọc lên trên phần diện tích này là những căn nhà kiên cố hoặc nhà xưởng trái phép.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2015, chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn.

aoho.png
Sự thay đổi số lượng ao, hồ Hà Nội từ năm 2010 - 2015 (theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng)

Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số lượng hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ.

Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm cũng giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540 m2. Trên thực tế đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận trung tâm của nội thành Hà Nội.

Điển hình như quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã san lấp 4 ao, hồ. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000 m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án.

Thống kê trong giai đoạn sắp tới, sẽ còn nhiều ao, hồ tự nhiên và nhân tạo đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa. Cụ thể, theo quy hoạch đã được phê duyệt, hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2. 

Hồ nước gần khu vực bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (cũ) sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án KĐT Tân Hoàng Mai tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210m2. 

Một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697 m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277 m2. 

Ngoài ra, hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm cũng được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì. Phần hồ nước bị lấp có diện tích khoảng 14.271,339 m2…

anh-4.jpg
Theo thống kê, trong giai đoạn sắp tới, sẽ còn nhiều ao, hồ tự nhiên và nhân tạo đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa

Ao, hồ bị “bức tử” dưới mọi hình thức

Trước nguy cơ “biến mất” của ao hồ tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.

anh-5.png
Quyết định phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố của UBND TP Hà Nội

Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định.

Chủ trương này được đánh giá là điều cần thiết để bảo vệ ao, hồ của thủ đô. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay hàng loạt ao, hồ tại Hà Nội vẫn đã và đang bị lấn chiếm, ô nhiễm trầm trọng, thậm chí đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. 

Việc ao hồ bị lấn chiếm diễn ra phổ biến ở nhiều nơi với nhiều hình thức khác nhau. Có nơi người dân vô tư xả rác, vật liệu xây dựng xuống ao, hồ. Có nơi thì bị đổ đất cơi nới xây dựng công trình. Có nơi đất ao hồ công cộng nhưng lại bị cá nhân chiếm giữ hoặc thuê lại không đúng mục đích sử dụng. Đặc biệt, còn có trường hợp nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch, lấp ao hồ để xây dựng các tòa nhà cao tầng.

Ví dụ điển hình có thể kể đến hồ Song thuộc địa phận phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Đây vốn là một hồ nước có diện tích lớn, nước trong xanh và là nơi điều hòa không khí, tạo không gian trong lành cho các khu dân cư lân cận. Tuy nhiên, khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm hồ Song đã xuất hiện và ngày càng trở nên nhức nhối. 

Đỉnh điểm là thời gian gần đây, hồ Song rơi vào tình trạng cạn nước, lòng hồ trơ đáy và trở thành nơi cỏ mọc um tùm. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã liên tục đổ trộm chất thải xuống hồ với mục đích san lấp mặt bằng để xây nhà xưởng, công trình trái phép bên trên. 

anh-6-1-.jpg
Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm hồ Song đã xuất hiện và ngày càng trở nên nhức nhối

Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng cho biết, tình trạng đổ trộm chất thải để lấp hồ Song đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Đặc biệt, từ khi có con đường nhựa nối liền từ Đại lộ Thăng Long vào khu biệt thự Vinhomes Green Villas, tình trạng đổ trộm thải vào hồ Song càng diễn biến phức tạp do đường đi thuận lợi hơn.

Theo ghi nhận, để ngăn chặn nạn đổ trộm chất thải vào hồ Song, phường Đại Mỗ đã thực hiện nhiều biện pháp như đào hào ngăn cách, rào chắn bằng barie… Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các đối tượng đổ trộm thải vào hồ Song vẫn gặp không ít khó khăn.

Tương tự, đầm Đỗi (khu vực đầm hồ thuộc các phường Định Công, Đại Kim và Thịnh Liệt của quận Hoàng Mai) cũng đang ngày đêm bị bức tử bằng các loại chất thải đổ xuống. Bức xúc trước tình trạng trên, nhiều người dân xung quanh đã tự góp tiền làm cổng bảo vệ để ngăn không cho các đối tượng đổ trộm chất thải vào đầm Đỗi.

Cũng trên địa phận phường Định Công của quận Hoàng Mai, từ một ao đầm rộng 3,5 ha giữa lòng thủ đô, đầm Bông giờ đây chỉ còn vỏn vẹn vài trăm mét vuông. Từ năm 2019, phường Định Công đã ra quân rầm rộ cưỡng chế các công trình vi phạm ở đầm Bông, khi đó khu vực đầm còn mênh mông nước. Để đi được vào "hòn đảo" nằm giữa đầm, người dân phải men qua cây cầu dài hàng chục mét. Thời điểm đó, tình trạng đổ đất san lấp đầm Bông làm nhà xưởng đã bắt đầu manh nha. Ven đầm Bông ở phía đường Trần Điền đã xuất hiện lác đác nhà lợp mái tôn màu xanh. Tình trạng đổ đất lấn Đầm Bông rầm rộ hơn cả là khu vực đối diện dãy nhà xưởng cũ ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn.

anh-7-1-.jpg
Từ một ao đầm rộng 3,5 ha giữa lòng thủ đô, đầm Bông giờ đây chỉ còn vỏn vẹn vài trăm mét vuông

Tại khu vực hồ Ngòi, sát với chung cư Mulberry Lane thuộc địa phận phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo người dân phản ánh, trước đây, hồ Ngòi giữ vai trò điều tiết nước cho khu vực dân cư ở đây. Nhưng từ năm 2018, nhiều hộ kinh doanh ngang nhiên lấn chiếm bằng hình thức đổ đất, cát, phế thải xây dựng để chia hồ làm hai. Trên phần đất lấn chiếm này được dựng nhà tạm bằng tôn mở để kinh doanh quán bia, tiệm sửa xe, dịch vụ câu cá, quán nước…

Ngay cả hồ nước lớn nhất trong nội thành Hà Nội là Hồ Tây cũng không thoát được "cơn lốc bê tông hóa". Trước đây, hồ rộng tới hơn 500ha, nhưng sau khi kè bờ để làm đường (năm 2010), nay chỉ còn khoảng 460ha. Chưa dừng lại, theo Quyết định 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND TP Hà Nội ban hành kèm theo danh mục hơn 3.000 hồ, ao, đầm không được san lấp nằm trên địa bàn các quận, huyện của thành phố, thì quận Tây Hồ có tới 18 ao, hồ, đầm nằm trong diện đó. Thế nhưng, gần đây nhất, theo quan sát của phóng viên, trên địa bàn quận Tây Hồ vẫn xảy ra tình trạng đổ đất lấp hồ.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy thực trạng đáng báo động của việc ao, hồ Hà Nội đang bị san lấp, lấn chiếm. Ngoài những địa điểm trên, vẫn còn hàng chục ao, hồ của thủ đô đang bị “bức tử" do các hoạt động kinh tế, san lấp trái phép, đe dọa trực tiếp đến không gian sống và môi trường sống của người dân. 

Đánh giá về vấn đề này, TS Lê Xuân Thái cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận một điều là diện tích mặt nước tự nhiên ở các đô thị trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang bị thu hẹp với tốc độ nhanh chóng bởi nhiều lý do khác nhau. Có thể là do các loại chất thải rắn đô thị, chất thải xây dựng… đã được đổ trực tiếp lên các ao, hồ để tránh phải chở đi xử lý tốn kém. Hay nhiều đối tượng cố tình san lấp trái phép ao, hồ để sử dụng với mục đích cá nhân. Theo thời gian, nước thải kéo theo rác thải dần dần gây tắc nghẽn các dòng chảy, khiến diện tích mặt nước bị thu hẹp…”.

Cũng theo ông Thái, giá trị đất ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM hiện đang rất cao nên nhiều đối tượng sẽ bất chấp mọi cách để chiếm dụng mặt nước, ao, hồ sử dụng. 

Đồng quan điểm với ý kiến của TS Lê Xuân Thái, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cũng đưa ra nhận định, với địa hình nhiều sông, đầm, hồ, từ sau những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đã xây dựng lại những khu nhà mới với cách thức rất thông minh. Ví dụ như hồ Giảng Võ, các kiến trúc sư đã lựa chọn phương án đào hồ ở giữa, rồi lấy đất làm nền cho khu nhà ở Giảng Võ. Như vậy, bản thân hồ vừa được đào sâu hơn, lại tích trữ nhiều nước hơn. Hồ Linh Quang, hồ Văn Chương cũng áp dụng cách thức tương tự. Nhưng đến thời kỳ mở cửa, các phương tiện máy móc, cơ giới phát triển, việc san lấp hồ diễn ra quá mức và không kiểm soát. Một thống kê cho thấy khoảng 80% diện tích mặt nước, bao gồm những mặt nước hồ, ao và phần bán ngập (khu vực bình thường chỉ là vùng trũng, khi mưa sẽ ngập nước) đã bị san lấp. Sau này, khi Hà Nội mở rộng nội thành, rất nhiều vùng trũng đã được san lấp. Những khu đô thị mới từ Linh Đàm đến Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy phần lớn là xây dựng dựa trên lấp ruộng trũng, các dự án đào hồ mới chậm tiến độ, từ đó tạo nên sự mất cân đối trong môi trường sinh thái của Hà Nội và để lại nhiều hệ lụy. 

image.daidoanket.vn-images-upload-linhdh-06042022-_bai-nho-kts-tran-huy-anh.jpeg
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

Theo ông Ánh, việc san lấp ao, hồ diễn ra tràn lan là hậu quả của việc phát triển bất động sản bừa bãi mang danh nghĩa đô thị hóa nhưng thực chất là để chia lô, bán nền, trục lợi cá nhân. Từ đó, biến không gian công cộng, tài sản công trở thành tư hữu. 

“Việc san lấp ao, hồ sẽ tiếp tục diễn ra tràn lan nếu việc quản trị tài sản công còn lỏng lẻo. Vấn nạn này sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn, thậm chí nó còn có thể được hợp thức hóa qua quy hoạch, chuyển đổi đất bán ngập, ao, hồ công cộng trở thành đất tư thông qua những dự án bất động sản. Bởi ao, hồ cũng là đất nhưng mặt nước lại không có người ở nên rất dễ bị lấn chiếm và trở thành “miếng mồi ngon” cho các dự án biến tài sản công thành tư hữu” - Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho hay. 

Cũng theo các chuyên gia, lợi ích từ hoạt động san lấp, lấn chiếm ao, hồ trái phép chỉ có số ít cá nhân được hưởng, còn phần diện tích ao hồ bị san lấp thì rất khó nếu như không muốn nói là gần như không thể khôi phục nguyên hiện trạng như ban đầu được nữa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nạn san lấp ao, hồ tại Hà Nội (Bài 1): Nhiều ao, hồ tự nhiên đang dần biến mất