Ngành nông nghiệp Vĩnh Long chủ động phòng chống xâm nhập mặn từ đầu mùa

Hoàng Linh|10/02/2023 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những ngày qua, xâm nhập mặn xuất hiện ở nhiều địa phương tại tỉnh Vĩnh Long, nhất là khu vực hạ lưu là huyện Vũng Liêm. Ngành nông nghiệp tỉnh này hiện đang triển khai các biện pháp phòng chống hạn mặn.

Xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm nằm giữa sông Cổ Chiên chịu ảnh hưởng khi nước mặn xâm nhập. Khoảng 1.000 ha vườn cây ăn trái đang được người dân và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi độ mặn hàng ngày để có biện pháp phòng ngừa. Từng hộ gia đình tự trang bị máy đo độ mặn để đóng mở các cống hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Thời, nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm chia sẻ: "Mặn lên bà con chúng tôi thông báo với nhau đóng cống lại để trữ nước ngọt, để tưới tạm thời trong thời gian nước mặn".

xam-nhap-man.jpg
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long chủ động phòng chống xâm nhập mặn từ đầu mùa

Những ngày qua, mặc dù nước mặn đã xâm nhập nhưng chưa đi sâu vào nội đồng, Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống mặn xâm nhập bảo vệ gần 12.000 ha lúa và gần 6.000 ha cây ăn trái và rau màu; tập trung khai thông các chướng ngại vật ở lòng kênh như lục bình, cỏ dại, rác thải sinh hoạt, tạo điều kiện cho việc lưu thông tốt nguồn nước trên các tuyến kênh và nội đồng.

Ông Dương Ái Đạo, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm cho biết thêm: "Chúng tôi thường xuyên theo dõi và cập nhật số liệu tại các địa điểm đo tại các cống đầu mối trên sông Cổ Chiên, sông Măng Thít kể cả trên các sông nội đồng để có số liệu cụ thể mới tiến hành chỉ đạo điều hành các cống đập hiệu quả. Hệ thống kênh mương nội đồng chủ ý nạo vét để đảm bảo đủ độ sâu đủ lượng nước tích trữ".

Ngoài huyện Vũng Liêm, các huyện Trà Ôn và Tam Bình cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nước mặn khi mùa khô về; do đó công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang triển khai tích cực. Ngành nông nghiệp phân công cán bộ trực vận hành các công trình thủy lợi tại các xã cù lao, vùng ven các sông lớn và xây thêm các cống tại các vàm sông nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít khép kín, ngăn mặn, trữ - cấp nước ngọt cho vùng Nam sông Măng Thít và một phần vùng Bắc Mang Thít. Các cống đầu mối như Cái Tôm ở Vũng Liêm (cửa rộng 20m), cống Gò Ân, cống Đường Trôm, cống Rạch Đôi (huyện Mang Thít) thuộc dự án đê bao sông Măng Thít cũng đang được tỉnh vận hành phù hợp tình hình.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: "Sở đã yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp công trình để hỗ trợ người dân như nạo vét kênh mương để lấy nước nước ngọt, hoàn thiện dần các công trình cống ngăn mặn trong thời điểm cao điểm hoặc có chỗ để trữ nước ngọt để phục vụ điều kiện tưới trong mùa khô hàng năm".

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, tại cống Nàng Âm huyện Vũng Liêm, độ mặn giao động ở mức khoảng 3‰, tại vàm Rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) 0,1‰; trạm Đồng Phú (huyện Long Hồ) 0,1‰; vàm Quới An trên sông Cổ Chiên 2‰; trạm Tích Thiện 2,3‰; trạm Trà Ôn là 0,5‰, trạm Ngã Tư (xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm) 1,3‰.

Theo đánh giá chung, đến nay nước mặn ở tỉnh Vĩnh Long đang nằm trong tầm kiểm soát, chưa xâm nhập sâu vào nội đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và khuyến cáo người dân đóng cống bọng nếu độ mặn vượt trên 1‰.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngành nông nghiệp Vĩnh Long chủ động phòng chống xâm nhập mặn từ đầu mùa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.