Nghệ An: Dân “khát nước sạch” bên Nhà máy nước gần 26 tỉ bỏ hoang

Kế Hùng|21/03/2022 14:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được đầu tư tới 25,8 tỉ đồng, khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2018. Nhưng điều đáng nói là sau khi xây dựng xong, công trình lại không thể đi vào hoạt động vì nguyên nhân là do thiếu nguồn nước thô đầu vào.

Nhà máy nước bỏ hoang, dân “khát” nước sạch

Tọa lạc trên một khu đất rộng hàng trăm m2, thuộc xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nhà máy nước sạch kể từ khi xây dựng xong đến nay vẫn đang trong tình trạng đóng cửa không hoạt động. Do xây dựng đã lâu nên hiện nay nhà máy trông hoang tàn, xuống cấp rõ rệt, cỏ dại mọc chen các lối đi, rác rưởi vương vãi trong khuôn viên nhà, xưởng.

>> Nghệ An: Người dân “khát” nước sạch đến bao giờ?

Nhà máy nước sạch Hưng Thông được đầu tư 25,8 tỷ đồng nhưng đang bị bỏ hoang, trong khi người dân vẫn khát nước sạch.

Một người dân ở xóm Hồng Hà cho biết: Khi xây dựng nhà máy nước sạch Hưng Thông chúng tôi rất phấn khởi vì sắp có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng thay bằng sự hụt hẫng bởi nhiều năm trôi qua Nhà máy nước sạch vẫn án binh bất động.

Ông Phạm Ngọc Văn xóm trưởng xóm Hồng Hà chia sẻ: “Do không có nước sạch nên người dân phải đào giếng làng bắt đường ống để bơm về nhà sử dụng. Một số giếng được đầu tư xây bằng đá vôi để lọc nước, nhưng bà con vẫn không an tâm khi nguồn nước này đều lấy từ ruộng đồng, chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi… chảy và ngấm xuống đó cả”.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – Chủ tịch UBND xã Hưng Thông mong muốn UBND huyện Hưng Nguyên sớm có giải pháp đưa Nhà máy nước sạch vào hoạt động phục vụ người dân.

Ông Nguyễn Hữu Phúc – Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: “Điều oái ăm là hiện trên địa bàn có nhà máy nước nhưng người dân không có nước sạch dùng. Hưng Thông là xã đồng bằng, nguồn nước sinh hoạt trong xã lâu nay phải sử dụng giếng đào, ao làng và nước mưa, nhưng giếng đào và giếng khoan đều bị ô nhiễm nặng. Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh lên xã về vấn đề này, xã cũng đã đề nghị UBND huyện có giải pháp để nhà máy đi vào hoạt động, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án cung cấp nước sạch này nằm trong tổng thể Dự án đầu tư xây dựng quần thể lưu niệm Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND huyện Hưng Nguyên phê duyệt hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công Nhà máy nước sạch Hưng Thông tại Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 31/12/2014, dự kiến với công suất 1.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hơn 1.300 hộ dân.

Toàn bộ gói thầu xây dựng Nhà máy nước có tổng mức đầu tư 25,8 tỷ đồng, gồm các hạng mục: cụm đầu mối (trạm bơm cấp I, II; hồ chứa nước thô, bể lắng; bể lọc; bể chứa nước sạch; nhà điều hành…), mạng lưới đường ống cấp 1, cấp 2 và cấp 3 (lắp đặt cho các hộ dân và các nơi tiêu thụ nước với tổng chiều dài dự kiến là 10.000m bằng ống nhựa).

Một góc sông Hoàng Cần 

Trong quyết định phê duyệt hạng mục đầu tư nhà máy nước Hưng Thông nguồn nước thô được xác định lấy từ sông Hoàng Cần, thế nhưng thực tế dòng sông này ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, bèo tây cỏ rác bao phủ mặt sông, nước tưới tiêu cho nông nghiệp còn chưa đủ lấy đâu ra nguồn nước thô để cung cấp cho nhà máy?.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, ông Thái Huy Dũng, Trưởng BQL dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên cho biết: “Nguyên nhân khiến nhà máy nước không thể hoạt động là do thiếu nguồn nước thô đầu vào. Khi thiết kế xây dựng, nguồn nước thô được lấy từ sông Hoàng Cần, nhưng hiện nay kênh này luôn cạn nước. Phương án tìm nguồn nước thô khác để thay thế cũng đang gặp khó vì chi phí để lắp hơn 5000 mét đường ống từ sông Lam về rất cao. Hiện có một vài doanh nghiệp đến khảo sát nhưng thấy không khả quan nên không tiếp nhận”.

Người dân vẫn đang phải sử dụng nước từ giếng làng dùng để sinh hoạt hằng ngày, nhưng chất lượng nước thì vẫn còn nhiều dấu hỏi?

Việc Nhà máy nước sạch Hưng Thông không đi vào hoạt động là vì thiếu nguồn nước thô, vậy trách nhiệm để thiếu nước thô thuộc về ai, do chủ đầu tư, Viện quy hoạch kiến trúc, hay do nguyên nhân nào khác?. Trách nhiệm của chủ đầu tư, của Viện quy hoạch xây dựng đến đâu khi lập phương án xây dựng Nhà máy nước sạch Hưng Thông không hiệu quả gây lãng phí ngân sách công? Khi quy hoạch xây dựng chọn địa điểm nhà máy nước, chủ đầu tư, Viện quy hoạch đã khảo sát kỹ mực nước, lưu lượng, trữ lượng nước sông Hoàng Cần để sử dụng làm nguồn nước thô cho nhà máy hay chưa?

Hy vọng rằng UBND huyện Hưng Nguyên sẽ sớm có giải pháp khả thi để sớm đưa nhà máy nước Hưng Thông vào hoạt động, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân xã Hưng Thông và các vùng lân cận.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Kế Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Dân “khát nước sạch” bên Nhà máy nước gần 26 tỉ bỏ hoang