Nghệ An: Nông dân "xót xa" nhìn đặc sản dưa lê phơi trắng đồng

Ngọc Linh (T/h)|17/04/2019 08:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Về cánh đồng dưa lê tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) thời điểm này, không còn hình ảnh bà con tập trung thu hoạch đông đúc, thương lái kéo về bốc hàng lên xe nhộn nhịp như các vụ trước, thay vào đó là những cánh đồng dưa “phơi mình” giữa trời nắng, thỉnh thoảng có thương lái ra xem dưa, rồi chỉ lắc đầu bỏ đi.

-Tiết trời nắng nóng nhiều người tìm mua các loại dưa để giải nhiệt, trong đó dưa lê trồng vùng bãi ở Nghệ An được ưa chuộng.  Thế nhưng dưa lê đang bị nhiễm bệnh, héo chết, người dân không bán được đành phải bỏ hoang giữa đồng, không buồn thu hoạch. Đó là thực trạng tại cánh đồng dưa lê xã Diễn Kỷ – thủ phủ dưa lê của huyện Diễn Châu.

>>> Lò đốt rác: Hiểm họa khôn lường đối với môi trường

>>> Xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh): Người dân tố cáo hàng loạt bãi tập kết VLXD hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Cánh đồng dưa tại xóm 2, xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đang trong mùa thu hoạch nhưng người dân đành để dưa phơi trắng đồng vì sâu bệnh. Ảnh: Q.A

Vừa nghỉ tay mót những trái dưa lê còn sót lại, chị Nguyễn Thị Ngọc ở xóm 2, xã Diễn Kỷ thở dài: Thời điểm tháng 4 là lúc bà con tập trung thu hoạch dưa lê vụ xuân. Nào ngờ năm nay dưa bị nhiễm bệnh hàng loạt, tưởng mỗi nhà sẽ có thu nhập cả chục triệu đồng, nhưng giờ mất trắng.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân cũng chịu cảnh dưa bị hư hỏng ngay giữa mùa thu hoạch. Thay vì hái dưa để bán, giờ ông phải thu hoạch dưa đổ hai bên đường để giải phóng đất làm vụ mới.

Ông Xuân xót xa: “Nhà tôi có 3 sào dưa, năm ngoái bán được 29 triệu đồng, nhưng năm nay mới chỉ thu hoạch được 1 đợt thì dưa bị bệnh tàn phá. Dù chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng không hiệu quả”.

Theo quan sát, dưa tại xã Diễn Kỷ đều có những đặc điểm chung là quả nhỏ thì bị héo, quả to thì bị sâu ăn từng mảng, cây bị chết khô, cháy lá… Cả cánh đồng dưa đều phải bỏ hoang vì thu hoạch không có người mua.

Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc dưa bị bệnh hàng loạt, tuy nhiên, theo ý kiến của một số hộ trồng dưa, có thể là do thời tiết sương mai nhiều, dẫn đến sâu bệnh. Bên cạnh đó, có thể do chất lượng giống, một số hộ lấy giống không rõ nguồn gốc dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Dưa lê bị nhiễm bệnh nặng, buộc phải phá bỏ ngay giữa mùa thu hoạch. Ảnh: Q.A

Diễn Kỷ là xã có truyền thống trồng dưa lê của huyện Diễn Châu. Trong vụ xuân này toàn xã có 10 ha dưa, chiếm hơn 1 nửa diện tích dưa lê toàn huyện, trong đó diện tích dưa hỏng chiếm đến 70%.

Hàng năm, năng suất bình quân dưa lê từ 8 -10 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 12 tạ/sào; với giá bán từ 12.000 – 15.000 đồng/kg tại ruộng, mỗi sào dưa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Tuy nhiên năm nay, hầu hết các hộ dân chỉ thu được từ 3 – 5 triệu đồng, chủ yếu là dưa mót, không ít hộ bị mất trắng.

Do hết thời vụ nên bà con đang tiến hành thu gom quả thối, tránh bị mọc mầm sẽ rất khó xử lý và có thể phát sinh mầm bệnh cho vụ sau. Sau vụ dưa mất mùa người dân sẽ tiến hành cải tạo đất trồng ngô, các loại rau màu vụ đông.

Ngọc Linh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nông dân "xót xa" nhìn đặc sản dưa lê phơi trắng đồng