Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Thất tịch

Cẩm Anh|22/08/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lễ Thất tịch được gọi là Lễ Tình nhân của Châu Á, vì vậy ngày Lễ này được các bạn trẻ rất đón nhận và cực kỳ phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Thất tịch là gì?

Thất Tịch hay còn gọi là Tết Ngâu, Ngày Ông Ngâu Bà Ngâu. Theo văn hóa phương Đông (Châu Á) Lễ Thất tịch được diễn ra vào ngày ngày 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm, Thất tịch được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. Lịch sử ngày này gắn bó với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ hoặc vợ chồng Ngâu với nhiều dị bản. Theo truyền thuyết, sau một năm xa cách, cứ đến ngày này hằng năm, Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau bên cầu Ô Thước.

that-tich-tieng-trung-1.jpg

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Thất tịch

Lễ Thất tịch có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất phát từ câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ.

Tương truyền, Ngưu Lang là một chàng trai chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ. Nhờ tính cách thiện lương, Ngưu Lang có được tình cảm của nàng tiên dệt vải Chức Nữ, con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người đã kết duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

thattich.png

Một ngày kia, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế rồi, Ngưu Lang nhất định ở đó chờ đợi, mãi không chịu rời đi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu đồng ý cho họ mỗi năm vào ngày Thất tịch được gặp nhau một lần.

Có nhiều hình thức tổ chức lễ hội trong dịp Thất tịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phong tục phổ biến nhất vào dịp này là: Vào đêm mồng 7/7 Âm lịch, phụ nữ cầu nguyện để có được đôi bàn tay khéo léo; các cô gái trẻ trưng bày các vật dụng nghệ thuật tự tạo để cầu mong lấy được ông chồng tốt.

Ngày lễ Thất tịch tại Nhật Bản được gọi là lễ Tanabata. Vào ngày này, người Nhật sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu mong may mắn, vụ mùa bội thu và sự thịnh vượng. Các bạn trẻ cũng tới các đền thờ trong ngày lễ Tanabata để cầu nguyện, mong tìm được ý trung nhân.

Những điều nên làm vào ngày Thất tịch

Đi chùa cầu bình an: Đi lễ chùa vẫn là một việc làm mà nhiều người thường thực hiện vào ngày lễ Thất Tịch. Mọi người có thể đến chùa cầu bình an, may mắn, để được tĩnh tâm lại, có được cảm giác thư thái, gác lại mọi âu lo, mệt mỏi của cuộc sống bộn bề hằng ngày. Ngoài ra, ngày này đến chùa còn là dịp để cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.

Thả đèn lồng: Cùng với người yêu thả những đèn lồng cũng là việc không thể thiếu vào ngày này. Những chiếc đèn lồng đại diện cho những mong ước của các cặp đôi cho một tổ ấm lâu dài.

Tặng quà cho người thân: Lễ Thất tịch trong văn hóa của người Châu Á được xem như là ngày Lễ Tình nhân, vậy nên việc tặng quà cho đối phương là việc thể hiện lời yêu thương và cũng là lời tỏ tình rõ nhất trong tình yêu. Vậy nên, các đôi sẽ tặng quà cho nhau, hoặc vợ chồng trao nhau những món đồ mà đối phương thích nhằm mong muốn một tương lai an lành.

Những việc không nên làm vào ngày lễ Thất tịch

Không tổ chức đám hỏi, đám cưới: Ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang Chức Nữ chỉ được gặp nhau vào ngày mùng 7/7 âm lịch, đoàn tụ chưa được bao lâu đã phải xa cách, mang theo nhiều nhung nhớ, đợi chờ. Vì vậy, nhiều người quan niệm rằng ngày Thất tịch không may mắn để tổ chức đám hỏi, đám cưới.

Không xây nhà: Ngày lễ Thất tích thường có mưa ngâu, gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhà cửa. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch còn là tháng cô hồn, thời điểm ma quỷ được thả tự do, đến nhân gian quấy phá. Do đó, nhiều người sẽ kiêng làm những việc trọng đại, bỏ ra một số tiền lớn như xây nhà, mua xe.

Lễ Thất tịch đối với giới trẻ Việt Nam

Ngày lễ Thất tịch đã tồn tại trong văn hóa người Việt Nam từ khá lâu. Trong ngày này nhiều người đã kiêng kỵ cưới hỏi vì sợ gặp phải những điều không may mắn như Ngưu Lang và Chức Nữ. Giới trẻ Việt Nam cũng đón nhận ngày Lễ Thất tịch như một ngày Lễ tình nhân. Và người ta thường đi chùa cầu duyên để cầu mong những điều tốt đẹp, sự bình an và gặp thuận lợi trong con đường tình duyên. 

hathongdau.png
Giới trẻ Trung Quốc thường kết vòng tay từ hạt hồng đậu để gửi tặng người mình yêu.

Tại Trung Quốc, vào ngày Thất tịch người ta thường dùng hạt hồng đậu kết thành vòng tay để gửi tặng tới người mà mình yêu. Hồng đậu là một loại đậu có kích thước nhỏ, hình dáng thon hơi giống hình trái tim, vỏ ngoài có màu đỏ thẫm bóng loáng. Đặc biệt, loại đậu này rất cứng, màu khó bị phai, ít bị mối mọt hay hư hại nên được xem như biểu tượng của một tình yêu bất diệt, không thay đổi. Đây là một loại đậu khác với loại đậu đỏ dùng để nấu chè.

chedaudo.jpg
Việc ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch dần trở thành xu hướng của giới trẻ Việt Nam

Tuy nhiên, do nhầm lẫn dịch thuật của một dịch giả đã khiến giới trẻ Việt Nam truyền tai nhau về việc Lễ Thất tịch ăn chè đậu đỏ sẽ có thể thoát kiếp cô đơn một mình. Vì vậy, nhiều người chưa có người yêu đều hồ hởi rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ vào ngày này. Dần dần, việc ăn đậu đỏ vào vào ngày Lễ Thất tịch trở thành một xu hướng mới của giới trẻ Việt Nam vào ngày Lễ này.

Bài liên quan
  • Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan báo hiếu
    Đối với người Việt, Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Thất tịch