Nguồn nước mặt nhiều sông, rạch ở Vĩnh Long bị ô nhiễm
Chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang bị đe dọa nghiêm trọng, khi nhiều tuyến sông, rạch chính ghi nhận tình trạng ô nhiễm vượt quy chuẩn – đặc biệt với các thông số E.Coli, Sắt và Amoni.
Thông tin trên được ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long nêu rõ trong báo cáo kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ năm 2024.

Cụ thể, trong năm 2024, công tác quan trắc nước mặt được thực hiện tại 63 vị trí trên các tuyến sông, rạch chính trong toàn tỉnh. Kết quả cho thấy, chất lượng nước mặt tại nhiều khu vực đang xuống cấp rõ rệt. Các thông số E.Coli, Sắt, Amoni đều có giá trị trung bình (GTTB) vượt ngưỡng cho phép được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT).
E.Coli: GTTB dao động từ 33 đến 114 MPN/100ml, vượt từ 1,65 đến 5,69 lần so với quy chuẩn tại tất cả các tuyến sông, rạch chính. Riêng tại sông Long Hồ và các tuyến sông, rạch gần khu vực đô thị, mức ô nhiễm cao hơn đáng kể với giá trị dao động từ 89 đến 114 MPN/100ml.
Sắt (Fe): GTTB vượt quy chuẩn từ 1,81 đến 3,75 lần. Đặc biệt, các tuyến sông như Bưng Trường – Ngã Chánh – Trà Ngoa, sông Tiền và sông Cổ Chiên ghi nhận mức ô nhiễm cao hơn, với GTTB từ 1,83 đến 1,87 mg/l.
Trước thực trạng này, ông Võ Quốc Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Môi trường và Kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long) cho biết, các cơ quan chức năng đang tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nước mặt. Đặc biệt tập trung vào những khu vực có mức ô nhiễm cao, nhằm kịp thời đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả.
Song song với đó, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến cộng đồng dân cư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các chủ dự án và doanh nghiệp được yêu cầu thực hiện đầy đủ biện pháp xử lý chất thải phát sinh, đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước mặt tại các tuyến sông, rạch trọng yếu.