(Moitruong.net.vn) – Tính đến ngày 2/8, chỉ trong vòng khoảng 8 tháng, nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong 1 năm.
Điều đó cũng có nghĩa là từ nay cho đến ngày 31/12, nhân loại sẽ phải “lạm quỹ” thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu sống của mình. Đây là những thông tin được tổ chức phi chính phủ mang tên Global Footprint Network (Mỹ) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố ngày 1/8.
Kết quả tính toán mà Global Footprint và WWF có được dựa trên phân tích về chỉ số nhu cầu của loài người, qua rất nhiều hành động như thải carbon vào khí quyển, nguồn tài nguyên tiêu thụ trong các lĩnh vực như thủy sản, chăn nuôi gia súc, cây trồng, xây dựng, sử dụng nước và tốc độ phục hồi tài nguyên của hành tinh.
Hàng năm, các khoa học gia đặt ra một ngày mang tên “Earth overshoot day” (tạm dịch: ngày Trái Đất bị vượt qua). Đây là ngày các nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của nhân loại – còn gọi là dấu chân sinh thái (ecological footprint) – đã vượt quá những gì Trái Đất có thể phục hồi trong một năm. Các nhu cầu này có thể kể đến như: nhu cầu về rau củ quả, thịt, cá, gỗ, vải và quần áo, lượng khí thải CO2…
Năm ngoái, thời điểm nhân loại dùng hết lượng tài nguyên mà Trái Đất có thể đáp ứng cho cả năm là ngày 3/8. Mặc dù tốc độ sử dụng tài nguyên đã có xu hướng chậm lại từ 6 năm nay, thời điểm mang tính biểu tượng này – ngày đánh dấu các nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của nhân loại đã vượt quá những gì Trái Đất có thể phục hồi trong một năm, “vẫn tiếp tục tịnh tiến xa hơn so với mốc ngày 31/12”. Ngày 15 tháng 8 năm 2015, chúng ta đã chính thức vượt qua ngưỡng này, sớm hơn 6 ngày so với năm trước đó. Theo dự tính, năm nay loài người sẽ tiêu thụ lượng tài nguyên bằng 1,6 lần Trái Đất.
Trong lịch sử, loài người luôn cố gắng kiểm soát sức tiêu thụ dưới ngưỡng cho phép, nhưng từ năm 1970, chúng ta đã luôn “lấn vạch”. Tuy nhiên nghiêm trọng hơn, thời gian chúng ta vượt ngưỡng ngày càng ngắn. Vào thập niên 1970, loài người vượt ngưỡng vào những ngày cuối cùng của tháng 12, còn hiện nay thì chỉ sau 8 tháng.
Các tổ chức này cảnh báo để đáp ứng như cầu của nhân loại, mỗi năm loài người cần tiêu thụ lượng tài nguyên gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của Trái Đất và đi kèm với thực tế này là rất nhiều hậu quả như tình trạng thiếu nước, sa mạc hoá, xói mòn đất, suy giảm năng suất nông nghiệp, suy giảm nguồn dự trữ hải sản, rừng cạn kiệt, nhiều loài động vật biến mất.
Theo Mathis Wackernagel, giám đốc Mạng lưới khí thải Toàn cầu: “Lượng khí thải carbon từ loài người đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1970. Chính điều này đã góp phần quan trọng làm gia tăng khoảng cách giữa dấu chân sinh thái và khả năng đáp ứng từ Trái Đất”.
Overshoot day – ngày vượt qua – là một bước quan trọng nhằm đạt được thỏa thuận về khí hậu dự kiến được đưa ra tại Hội nghị khí hậu Liên hợp Quốc tổ chức tại Paris. Nếu chúng ta muốn giữ nhiệt độ Trái Đất chỉ nóng lên 2 độ C so với thời kỳ Công nghiệp hóa, các nước cần chung tay loại bỏ dần các loại nhiên liệu hóa thạch vào năm 2070. Ngoài ra, để duy trì dấu chân sinh thái nằm trong ngưỡng cho phép, các quốc gia cần cam kết giảm 30% lượng khí thải vào năm 2030.
Wackernagel cũng cho biết, nếu cứ giữ nguyên tốc độ phát triển và các ngành công nghiệp như hiện nay thì đến năm 2030, chúng ta sẽ vượt ngưỡng vào ngày 28/6, tức chưa đầy 7 tháng. Đó là chưa kể đến khả năng khủng hoảng thực phẩm sẽ không đáp ứng được nhu cầu của loài người, khiến chúng ta vượt ngưỡng thậm chí còn sớm hơn.
Global Footprint và WWF cũng cho biết “các dấu hiệu đáng khích lệ” chỉ ra rằng nhân loại có thể đảo ngược xu hướng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù nền kinh tế thế giới ghi nhận tăng trưởng, “lượng khí thải CO2 gắn với tiêu thụ năng lượng không tăng lên vào năm 2016 và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp như vậy,” điều này có thể được giải thích phần nào bởi sự phát triển đáng kể các loại năng lượng tái tạo trong sản xuất điện.
T.Minh (TH)