Năm 2022 là một năm đầy bất ổn với các thị trường năng lượng, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Căng thẳng này đã khiến giá khí đốt và than đá tăng lên các mức cao kỷ lục tại châu Âu và châu Á.
Theo báo cáo thường niên Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới công bố ngày 26/06 cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 1% trong năm ngoái, và đà tăng trưởng cao kỷ lục của năng lượng tái tạo không làm lay chuyển vị thế vượt trội của nhiên liệu hóa thạch, vốn vẫn chiếm 82% nguồn cung năng lượng.
Các sản phẩm dầu, khí đốt và than đá tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu trong việc đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng trong năm 2022, dù công suất năng lượng tái tạo đã tăng tổng cộng 266 gigawatt, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó đứng đầu là năng lượng Mặt Trời.
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu dự kiến tăng cao hơn nữa trong năm 2023 và phát thải lượng khí nhà kính cao hơn. “Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ về điện gió và Mặt Trời, lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu nói chung đã tăng trở lại. Chúng ta vẫn đang đi ngược lại với yêu cầu của thỏa thuận Paris”, Juliet Davenport, Chủ tịch Viện Năng lượng Anh, cho biết.
Báo cáo được công bố dưới sự hợp tác của KPMG và công ty tư vấn Kearney, tiết lộ các nguồn năng lượng tái tạo, không bao gồm thủy điện, chỉ đáp ứng 7,5% nhu cầu năng lượng thế giới trong năm 2022, tăng gần 1% so với một năm trước. Sản lượng điện mặt trời đã tăng 25%, trong khi sản lượng điện gió tăng 13,5%.
Nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 đạt mức trung bình 97,3 triệu thùng/ngày, tăng 2,9 triệu thùng so với năm trước đó. Điều này một phần là do hoạt động kinh tế toàn cầu trở lại sau đại dịch.
Đồng thời, nhu cầu than tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2014, tăng 0,6% so với năm 2021, chủ yếu do nhu cầu ở Ấn Độ và Trung Quốc. Giá khí đốt tăng cao kỷ lục ở châu Âu và châu Á là lý do khiến nhu cầu điện than tăng.