Nhiều tỉnh thành cấm biển để ứng phó với cơn bão số 2

Thơ Hoàng|22/07/2024 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để ứng phó với bão số 2, trong sáng 22/7, nhiều tỉnh thành đã nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác khu vực cửa sông, ven biển.

Chiều qua, Thủ tướng yêu cầu 25 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với bão số 2 và mưa lớn. Địa phương rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

cam-tau-thuyen-ra-khoi.jpg
Trước diễn biến của bão số 02, các địa phương thực hiện lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ ngày 22/7.

Thực hiện chỉ đạo, các đại phương đã tiến hành rà soát, nhanh chóng lên phương án đảm bảo an toàn cả về người và tài sản. Trong đó, nhiều tỉnh thành đã thực hiện lệnh cấm biển. 

Quảng Ninh: Cấm biển từ 12 giờ ngày 22/7

Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân các địa phương ven biển nội dung sau: Xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc việc này trước 16 giờ ngày 22-7; tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.

Cũng trong sáng 22-7, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Công văn số 2162 về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 2 và những tác động của cơn bão số 2.

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của cơn bão; tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của cơn bão số 2 và tổ chức thực hiện di dời vào khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn.

Hải Phòng: Đình chỉ các hoạt động giao thông đường thủy, hoạt động du lịch từ 12 giờ ngày 22/7


Để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do ảnh hưởng bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng thông báo: Đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long; hoạt động du lịch tại các khu vực biển, đảo từ 12 giờ ngày 22/7/2024. Các địa phương, đơn vị, tổ chức tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện đường thủy nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng có Công điện yêu cầu các quận, huyện và sở ngành, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, mưa lớn gây ra; tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản.

Các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu; đảm bảo an toàn đê điều, các khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công; có phương án đảm bảo tiêu thoát nước đô thị trong trường hợp mưa lớn; chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ sản xuất...

Nam Định: Chủ động ứng phó với bão số 2


Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2 và mưa lũ gây ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, sở, ngành, các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Nam Định cấm biển từ 10 giờ ngày 22/7 đến khi có tin bão cuối cùng. Lực lượng chức năng kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 17 giờ ngày 22/7.

Thái Bình: Tích cực bảo vệ các tuyến đê xung yếu


Chủ động ứng phó với bão số 2, tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 9 giờ ngày 22/7.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành, bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành khẩn trương di dời số lao động nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại các vùng bãi thấp cửa sông, ven biển; di dời ngư dân tại các phương tiện làm ăn trên biển vào nơi an toàn; chằng, chống các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên sông, ven biển đảm bảo an toàn; đóng các cửa khẩu qua đê biển, đê cửa sông. Các công việc này phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 22/7.

Thanh Hóa: Tập trung ứng phó với bão số 02 và mưa lũ


Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra hỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống. Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều tỉnh thành cấm biển để ứng phó với cơn bão số 2
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.