Những điều cần biết để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ

Hoàng Thơ|21/08/2024 16:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện nay, Việt Nam chưa có vắc xin phòng đậu mùa khỉ, do vậy, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, TPHCM đã ghi nhận 49 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các ca bệnh đều là nam, tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 và lớn nhất là 53 tuổi). 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng chú ý, 55% bệnh nhân là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

TP HCM chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng virus gây bệnh vẫn là clade IIb - đang gây dịch cho các nước. Bệnh lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ không an toàn.

dau-mua-khi-2(1).jpg
Trong 7 tháng đầu năm nay, TP HCM đã ghi nhận 49 người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, vào ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do sự gia tăng nhanh của bệnh tại nhiều quốc gia châu Phi, bởi một biến chủng mới là clade Ib. Bệnh đang bùng lên dữ dội tại Cộng hòa Dân chủ Congo, lan rộng qua nhiều quốc gia lân cận.

Cách thức lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ


Đậu mùa khỉ, nay được gọi Mpox, là bệnh truyền nhiễm do virus đậu mùa khỉ gây ra, gồm hai dòng di truyền chính là clade I và II. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt đậu hoặc từ sang thương da, niêm mạc của người bệnh.

Có hai nguyên nhân chính gây bệnh đậu mùa khỉ:

Lây truyền từ động vật sang người: Virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật hoang dã như chuột sóc, khỉ sang người qua vết cắn hoặc tiếp xúc với máu, dịch cơ thể hoặc các vật liệu bị nhiễm bệnh từ động vật bị nhiễm bệnh.

Lây truyền từ người sang người: Bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương da, dịch cơ thể, các giọt bắn hô hấp lớn, hoặc các vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch cơ thể của người bệnh.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ


Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện trong vòng 5-21 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút và bao gồm:

Sốt: Đây thường là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất.

Đau đầu dữ dội: Cảm giác đau đầu có thể lan tỏa và gây khó chịu.

Sưng hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn thường sưng lên.

Đau cơ: Cảm giác đau nhức cơ bắp.

Đau lưng: Đau lưng có thể xuất hiện và gây khó chịu khi vận động.

Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi kéo dài và suy nhược cơ thể.

Phát ban: Sau vài ngày, người bệnh sẽ xuất hiện phát ban. Ban đầu, các vết ban có thể giống như mụn nước, sau đó chuyển thành mụn mủ và cuối cùng tạo thành vảy.

Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, sẽ hồi phục hoàn toàn, song có một tỷ lệ bị biến chứng nặng và có thể tử vong. Người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già có nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm virus này.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu phát hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến các bệnh viện để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị, giảm các biến chứng, thực hiện biện pháp phòng lây nhiễm.

6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ


Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng đậu mùa khỉ, do đó người dân cần thực hiện tốt 6 biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bao gồm:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những điều cần biết để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.