Ninh Thuận: Nước tại các hồ chứa đã và đang cạn kiệt

Minh Trang (T/h)|23/04/2020 01:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại tỉnh Ninh Thuận, nước sinh hoạt đa phần được lấy từ nguồn nước thô ở các hồ chứa, các sông suối. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa đã và đang cạn kiệt.

Ninh Thuận có hơn 21 hồ chứa nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đến thời điểm này nhiều hồ đã cạn khô, chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Huy động thêm trên 1.000 giếng đào vẫn không đủ giải khát cho hàng trăm cánh đồng hoa màu đang cháy khô.

Sống bên những hồ nước cạn, để có nước sinh hoạt, người dân chỉ còn cách đi mua nước về dùng với giá đắt đỏ. Trong khi đó, nguồn nước thô, dùng để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân, chủ yếu được lấy từ đập Lâm Cấm, hạ du nhà máy thủy điện Đa Nhim, dẫn về nhà máy nước Tháp Chàm xử lý.

Những ngày gần đây, lưu lượng xả thấp khiến nước thô bị tù đọng, phát sinh rong, tảo, ngành cấp nước tỉnh phải rất vất vả để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.

Chủ trại chăn nuôi Lê Văn Tùng ở xã Phước Thành (Bác Ái) lo lắng: Nước ở các ao nhỏ cũng cạn khô hết. Hạn đến sớm và lan ra khắp huyện, khắp tỉnh nên muốn đi địa phương khác xin nước về cũng không được. 450 hộ chăn nuôi chuyên nghiệp ở Bác Ái kiệt quệ, không có thức ăn cho gia súc.

Bà Lê Thị Nhung ở xã Phước Trung nhiều ngày nay phải vắt vét từng ca nước trong bồn chứa để sử dụng rè xẻn. Bà Nhung chia sẻ: Nắng khô héo cả người, phải tận dụng nước tắm rửa để cho gia súc uống. Rất cơ cực.

Chẳng riêng gì huyện Bác Ái, các xã, nhất là khu vực vùng sâu ở Ninh Sơn cũng chịu chung cảnh ngộ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có 20 nhà máy cấp nước sạch nằm trải đều ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, theo thiết kế phục vụ tốt cho gần 38.000 hộ dân. Thế nhưng các nhà máy này cũng dần khô kiệt do tác động của thời tiết, lượng nước ngầm suy giảm mạnh.

Đến giữa tháng 4/2020 việc cấp nước sinh hoạt khó khăn. Để giải hạn trong tình thế cấp bách, Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận phải xin hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) xả qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim dẫn về TP Phan Rang-Tháp Chàm để xử lý nước thô thành nước sạch cung cấp cho cuộc sống người dân. Nhưng lượng nước ở hồ Đơn Dương cũng đứng trước nguy cơ tụt giảm.

Nắng nóng gay gắt, người chăn nuôi Ninh Thuận gặp khó khăn

Theo Trung tâm nước sạch Ninh Thuận, cấp bách là cung cấp nước để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy nước phải lấy thêm từ sông, suối về xử lý. Giờ sông, suối cũng cạn kiệt nên tất cả phải đồng lòng thực hiện các giải pháp cần thiết. Người dân thì tuân thủ sử dụng tiết kiệm, Nhà nước thì đẩy mạnh nạo vét, khơi thông sông, suối, tìm kiếm thêm nước ngầm. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước Phước Đại – Phước Thành; Tà Nôi; Phước Trung.

Với trên 320.000 con dê, cừu; 120 trang trại chăn nuôi bò, dê, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận khuyến cáo người dân, các chủ hộ chăn nuôi lan tỏa phong trào tiết kiệm nước. Tuyệt đối không tăng đàn, mở rộng trang trại trong thời điểm này. Bên cạnh đó, ở những khu vực hồ đập đã cạn kiệt, đồng cỏ không còn nhiều chủ các trang trại nên xuất bán vật nuôi đã đến tuổi trưởng thành để giảm số lượng. Bên cạnh đó, những vật nuôi có biểu hiện bệnh tật cần xử lý ngay, tránh lây lan.

Đối với trồng trọt, do canh tác, sản xuất theo thói quen nên người dân Ninh Thuận thích trồng cây ngắn hạn, khó thích ứng với biến đổi khí hậu. Lúa thường sản xuất 3 vụ, hiệu quả không cao. Ngành NNPTNN Ninh Thuận triển khai nhanh các phương án chuyển đổi cây trồng. Với một số diện tích, chỉ sản xuất 2 vụ để đảm bảo đủ nước tưới, có thời gian phơi phóng đất, hoa màu giảm dịch bệnh, năng suất tăng cao. Các loại cây ăn quả phù hợp với thời tiết nóng được trồng thí điểm và sẽ mở rộng để khi hạn hán khốc liệt, người dân bớt thiệt hại nặng nề.

Xác định việc đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân sử dụng trong mùa hạn là ưu tiên hàng đầu, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Công ty Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cân đối, điều tiết nguồn nước hợp lý từ các hồ về.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp cấp nước có đủ nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp sức trong vấn đề nước sạch.

Minh Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Nước tại các hồ chứa đã và đang cạn kiệt