Ninh Thuận: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Minh Lâm|17/11/2022 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với định hướng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ sở dịch vụ du lịch, cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

ninh-thuan.jpg
Ninh Thuận xây dựng hình ảnh du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vì “Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.”

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đã ký Quyết định số 1587/QĐ-UBND về việc Ban hành Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án hướng đến việc xây dựng môi trường du lịch tỉnh Ninh Thuận theo hướng phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 “Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn”.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ sở dịch vụ du lịch, cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo an toàn, an ninh, lành mạnh; ứng xử văn minh du lịch.

Đề án đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như giai đoạn 2023–2025, phấn đấu 100% các khu, điểm du lịch công cộng, điểm dừng chân... được bố trí các thùng rác và được phân loại chất thải phát sinh theo quy định; hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Giai đoạn 2026–2030, phấn đấu 95% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy.

Đặc biệt, theo Đề án, các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải tuân thủ nghiêm quy định bảo vệ môi trường. Địa phương này cũng khuyến khích các dự án đầu tư du lịch thân thiện với môi trường, ưu tiên đối với các dự án có các giải pháp khả thi, cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường.

Đặc biệt là môi trường du lịch biển, mang lại các hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội ở vùng ven biển.

Ninh Thuận cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiếp nhận và ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch tỉnh một cách bền vững...

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện địa phương có 57 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 51.190,2 tỷ đồng.

Trong đó, 24 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.974,5 tỷ đồng; 15 dự án đang triển khai thi công với tổng vốn đăng ký 37.678,7 tỷ đồng và 18 dự án đang hoàn tất thủ tục tục đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.537 tỷ đồng.

Các dự án đã tạo nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai cho Ninh Thuận.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, trong những năm qua, hoạt động du lịch tỉnh Ninh Thuận có bước tăng trưởng khá. Theo thống kê, tổng lượt khách giai đoạn 2016-2020 đạt 9.316.492 lượt khách, 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.193.800 lượt (tăng 93.2% so cùng kỳ, vượt 15.5% so với kế hoạch).

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang theo dõi, quản lý nhà nước đối với 204 khách sạn (trong đó các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng đạt chuẩn, bao gồm: 2 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 1 sao và cơ sở lưu trú đạt chuẩn du lịch), 8 đơn vị lữ hành (trong đó 4 đơn vị lữ hành quốc tế, 4 đơn vị lữ hành nội địa).

Do ngành du lịch phát triển, cũng như các địa phương khác, Ninh Thuận đang gặp phải những thách thức đối với công tác đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch như vấn đề rác thải tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bãi biển; hoạt động của du khách tác động đến rạn san hô, nguồn lợi thủy sản; ý thức ứng xử văn minh du lịch còn hạn chế.... Đồng thời, Ninh Thuận cũng là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ninh Thuận: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.