Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao kỷ lục trong 4 triệu năm vừa qua

Hoàng Anh|13/06/2022 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù giao thông và các hoạt động thương mại sụt giảm đáng kể trong những tháng đầu của đại dịch Covid-19, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển trái đất vào tháng rồi vẫn đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại.

Cụ thể, mức CO2 của tháng 5/2022 đã cao hơn 50% so với mức trung bình ở thời kỳ tiền công nghiệp, trước khi con người bắt đầu đốt dầu mỏ, khí đốt và than đá trên diện rộng vào cuối thế kỷ 19. Nồng độ CO2 lên tới gần 421 phần triệu vào tháng 5 vừa qua, mức cao nhất trong năm 2022. Năm 2021, tổng lượng phát thải đạt 36,3 tỷ tấn, đây là mức cao nhất trong lịch sử.

Khi lượng CO2 tăng lên có nghĩa là Trái đất sẽ tiếp tục ấm lên, đi kèm những tác động ngày càng nghiệm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện cao hơn khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức CO2 ngày càng tăng cho thấy các quốc gia hầu như không đạt được nhiều tiến bộ đối với mục tiêu đặt ra ở Paris vào năm 2015 là hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C. Theo các nhà khoa cảnh báo nếu vượt quá ngưỡng này thì biến đổi khí hậu sẽ càng gây ra thêm nhiều ảnh hưởng thảm khốc.

Để đạt được mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris, lượng khí thải phải đạt mức “bằng không” vào năm 2050, tức là các quốc gia phải cắt giảm mạnh, lượng khí thải còn lại phải ngang bằng với mức độ hấp thụ khí carbon dioxide của đại dương và thảm thực vật. Nếu thế giới tiệm cận mục tiêu đó, tốc độ gia tăng mức CO2 sẽ chậm lại.

Các nhà khoa học cho biết, nếu loại bỏ được hoàn toàn lượng khí thải, dù diễn tiến chậm nhưng nồng độ CO2 trong không khí sẽ liên tục suy giảm trong hàng trăm năm. Tới một thời điểm nào đó, không khí sẽ đạt được trạng thái cân bằng. Thế nhưng, nồng độ carbon dioxide trong cả khí quyển và đại dương sẽ cao hơn mức thời tiền công nghiệp, tình trạng như vậy sẽ duy trì trong hàng nghìn năm. Qua một chu kỳ dài như vậy, mực nước biển sẽ tăng lên đáng kể do băng ở hai cực tan chảy, đồng thời những thay đổi khác có thể xảy ra, chẳng hạn như vùng đất lạnh lẽo nơi Bắc Cực có thể sẽ biến thành rừng.

Trước đó, IEA đã chia sẻ lộ trình giúp mọi quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Các nước sẽ phải đưa ra những thay đổi mạnh mẽ, như ngừng xây dựng nhà máy than ngay tức thì, cấm bán các phương tiện chạy bằng xăng trước năm 2035, đồng thời phủ sóng tuabin gió và pin năng lượng mặt trời ở tốc độ chưa từng thấy.

Nếu đạt được mục tiêu trên, các nước có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức khoảng 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Điều này sẽ giúp nhân loại tránh được một vài hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, như sự sụp đổ không thể khôi phục của các tảng băng hay mất mùa diện rộng.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao kỷ lục trong 4 triệu năm vừa qua