Môi trường - Tài nguyên

Núi lửa Ibu phun trào, Indonesia nâng cảnh báo lên mức cao nhất

Hoàng Thơ 17/01/2025 16:30

Núi lửa Ibu tại Indonesia phun trào mạnh, khiến giới chức nước này phải nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Hàng nghìn người dân phải sơ tán để đảm bảo an toàn.

Theo Trung tâm Giảm thiểu rủi ro núi lửa và địa chất Indonesia (PVMBG) một trong những vụ phun trào lớn nhất của núi lửa Ibu xảy ra lúc 7 giờ 11 phút ngày 15/1 (giờ địa phương). Vụ phun trào kéo dài trong khoảng 2 phút, tạo nên những đám mây tro bụi nghiêng về phía tây cao tới 4 km trên bầu trời.

nui-lua.jpg
Núi lửa Ibu phun trào, Indonesia nâng cảnh báo lên mức cao nhất (Ảnh: AFP)

Trong một tuyên bố, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Quốc gia Indonesia cho biết, họ đã phối hợp với chính quyền khu vực và PVMBG để theo dõi, giám sát tình hình tại chỗ.

PVMBG đã kêu gọi công chúng tránh xa vùng nguy hiểm bán kính 4,5 km đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác trong vùng nguy hiểm mở rộng 6 km ở khu vực phía bắc do khả năng phun trào đột ngột gây nguy hiểm tăng cao.

Theo đó, giới chức địa phương cho biết việc sơ tán đã bắt đầu vào lúc 18h ngày 15/1 nhưng đã bị trì hoãn do các vấn đề về hành chính và logistics. Ngoài ra, mưa lớn vào sáng 16/1 cũng đã gây khó khăn cho quá trình sơ tán.

Tính đến sáng 16/1, gần 520 cư dân từ ngôi làng gần núi lửa nhất đã được sơ tán và các cư dân còn lại dự kiến sẽ được di dời vào cuối chiều cùng ngày.

Chỉ trong những tuần đầu tiên của tháng 1, núi lửa Ibu, một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Indonesia, đã phun trào 9 lần.

Người dân sinh sống gần đó và khách du lịch đã được khuyến cáo tránh xa khu vực cách đỉnh núi lửa từ 5 đến 6 km và đeo khẩu trang phòng trường hợp tro bụi rơi xuống.

Theo số liệu chính thức, tính đến năm 2022, khoảng 700.000 người đang sinh sống trên đảo Halmahera.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương và hiện có tới 127 núi lửa đang hoạt động. Vào tháng 5 năm ngoái, núi Ibu cũng đã phun trào, buộc chính quyền phải sơ tán người dân sinh sống ở 7 ngôi làng gần đó.

Núi lửa phun trào có thể gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, bao gồm:

  1. Ô nhiễm không khí: Khí sulfur dioxide và các khí độc hại khác từ núi lửa có thể làm ô nhiễm không khí, gây ra mưa axit, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe con người.
  2. Tổn hại hệ sinh thái: Tro và nham thạch có thể phá hủy cây cối, động vật, và các hệ sinh thái xung quanh khu vực phun trào. Các loài sinh vật có thể bị chết do mất môi trường sống hoặc ô nhiễm.
  3. Ô nhiễm nguồn nước: Tro và chất lỏng từ núi lửa có thể rơi xuống các sông, hồ và nguồn nước ngầm, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và nguồn nước sinh hoạt.
  4. Sự thay đổi cảnh quan: Lượng nham thạch và tro rơi xuống có thể thay đổi cảnh quan tự nhiên, tạo ra những biến đổi lớn trong địa hình và làm thay đổi môi trường sống tự nhiên.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Núi lửa Ibu phun trào, Indonesia nâng cảnh báo lên mức cao nhất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.