Thời gian gần đây, trích cồ được nhiều người dân ở các địa phương vùng ĐBSCL như Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang… nuôi sinh sản để phát triển kinh tế gia đình.
Nhiều nông dân ĐBSCL có thu nhập cao từ mô hình nuôi chim trích cồ.
Chim trích cồ dễ nuôi, khi nuôi quen thì thả rông như gà, vịt. Trích cồ được nuôi làm cảnh, làm con mồi đi bẫy, ăn thịt hoặc để giữ nhà như chó. Mỗi năm trích cồ đẻ ba đợt (khoảng thời gian từ tháng 4 – 6), trung bình mỗi đợt đẻ từ 2 – 4 trứng, sau 1 tháng có thể bán với giá 500.000 đồng/cặp chim. Đối với con lớn, sau 6 tháng nuôi, lông chim trổ màu xanh và được bán với giá 1 – 1,5 triệu đồng/con. Nhiều nông hộ thường tận dụng vườn cây ăn trái, rồi rào chắn xung quanh để nuôi. Trích cồ được nuôi thả lan trong vườn có thể ăn thịt, cá, lúa, rau, củ quả các loại nên không tốn nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc.
Nuôi trích cồ khó nhất là giai đoạn mới nở, lúc đó phải mớm mồi cho chim non, qua 15 ngày chim cứng cáp mới có thể tập cho ăn theo chim lớn. Trích cồ có sức đề kháng cao, dễ nuôi. Nếu có điều kiện đầu tư nuôi số lượng lớn thì nguồn lợi từ trích cồ sẽ đem lại khá cao.
Hiện ở vùng ĐBSCL chim trích cồ ngoài thiên nhiên giảm nhiều và chỉ xuất hiện vào mùa mưa lũ, còn mùa nắng thì rất khan hiếm. Chính vì vậy, mô hình nuôi chim trích cồ sinh sản, nhất là nuôi thương phẩm thay cho gà thả vườn đang được nhiều người dân thực hiện vì giá chim trích cao hơn giá gà nhiều, trong khi về chỉ số thức ăn 1 con chim trích chỉ ăn tầm 1kg thức ăn/tháng.
So với các loài chim hoang dã khác, trích cồ chỉ có thể sinh sản trong không gian rộng rãi có nhiều cây cối (giống như thiên nhiên), có ao nước. Nếu nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, trích cồ sẽ khó sinh sản. Còn nếu nuôi làm cảnh thì có thể nuôi nhốt hoặc thả rông. Do vậy, cần phải nghiên cứu đặc tính của chim để tránh tình trạng nuôi không hiệu quả và không nên nuôi ồ ạt, tự phát để tránh tình trạng không có đầu ra.
Minh Đoàn (T/h)