Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người

Ánh Minh|01/08/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; trên toàn thế giới thì Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất. Tình trạng ô nhiễm không khí đang là mối e ngại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

kk.jpg
Các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông.

Thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam

“Ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2.5” (loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron) từ “vô hình” đã trở nên “hữu hình" hơn với với công chúng khi các chỉ số này đã được cập nhật theo thời gian thực nhờ đa dạng cách thức giám sát, từ mạng lưới quan trắc tiêu chuẩn của nhà nước đến các mạng lưới cảm biến chi phí thấp, hoặc sử dụng ảnh vệ tinh.

Theo Báo cáo của Live & Learn, kết quả đo đạc và tính toán cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 và năm 2021 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9 - 41 µg/m3).

Trong năm 2020 và 2021, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gi

Trên quy mô toàn quốc, theo nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự, năm 2018 lượng phát thải PM2.5 từ đốt bỏ phụ phẩm chiếm tỉ lệ cao nhất (40%), tiếp theo là đun nấu dân sinh (17%), giao thông đường bộ (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp (11%), và nhà máy nhiệt điện (3,3%). Các lĩnh vực còn lại đóng góp chung khoảng 3% tổng lượng phát thải PM2.5 của cả nước.

Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường.

Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có ⅓ lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và ⅔ lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 - 2021 của Đại học Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra: Vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021) và khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

Tại TP.HCM, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hoạt động giao thông đóng góp nhiều nhất vào phát thải bụi PM2,5, tiếp theo là hoạt động công nghiệp, sau đó là hoạt động dân sinh và thương mại.

Năm 2021, trước những nguy cơ và tác động sức khỏe do ô nhiễm bụi PM2.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật Hướng dẫn toàn cầu về Chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó thắt chặt các ngưỡng khuyến nghị, từ 10 μg/m3 xuống 5 μg/m3 đối với nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm.

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Năm 2020, phơi nhiễm với bụi PM2.5 đóng góp số ca tử vong với tỷ suất 38,87 trên 100.000 dân.

Các nghiên cứu trên thế giới ban đầu cho thấy người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với vi rút và gây nhiễm vi rút nghiêm trọng hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, nồng độ PM2,5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý chất lượng không khí như hiện nay.

Từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật ra đời về quản lý chất lượng không khí ở cả cấp trung ương và địa phương.

Luật Bảo vệ môi trường 2020, thay thế cho Luật năm 2014, và Nghị định 08/2022-CP đã bổ sung quy định về Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí và Trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan.

Tại Hà Nội, một loạt các chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí đã ra đời và đang là công cụ quản lý để triển khai các giải pháp. Đơn cử, Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về loại bỏ than tổ ong; Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 về kiểm soát đốt rơm rạ và chất thải.

Tính đến hết tháng 12/2021, Hà Nội chỉ còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện trên địa bàn thành phố, giảm 99,42% so với khảo sát năm 2017.

Từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Live & Learn và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật đã thực hiện các can thiệp giảm thiểu đốt rơm rạ, rác thải tại nhiều quận/huyện.

Các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh,... đã thúc đẩy các giải pháp xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuốn rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác.

Năm 2020-2022, Chương trình “Xe sạch – Trời xanh” được Trung tâm Live&Learn phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nhà nước thực hiện tại 3 TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhằm kiểm soát mức độ phát thải chất gây ô nhiễm không khí của xe mô tô, xe gắn máy.

Cùng với đó, Chương trình “Chung tay vì Không khí sạch”, cũng từ nguồn tài trợ của USAID đã thu hút được 194 sáng kiến được gửi về, trong đó có 43 dự án đề xuất nhận được tài trợ để triển khai nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương.

Hậu quả của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ con người

Theo Health, bụi mịn (PM 2.5) kết hợp với khí CO hay SO2, NO2 có trong không khí sẽ gây kích ứng niêm mạc đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Các chất trên cũng nằm trong danh sách 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người gồm: Bụi mịn, khí CO, SO2, NO2, chì và ozon tầng mặt đất, được liệt kê theo WHO.

hn-2.jpg
Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh như hen suyễn, ung thư phổi.

Bên cạnh đó, các hạt bụi mịn và siêu mịn đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Bụi mịn được chia theo kích thước: PM10 là những hạt bụi có đường kính dưới 10 micron (tương đương kích thước của đa số vi khuẩn); PM2.5 là bụi có đường kính dưới 2,5 micron (bằng khoảng 1/30 sợi tóc), thường chỉ được phát hiện bằng kính hiển vi.

Trong tình thế hiện nay, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM2.5) đang hoành hành tại TP. HCM và Hà Nội thời gian gần đây được xem là nguy hiểm nhất, vì không chỉ ảnh hưởng đến cửa ngõ của hệ hô hấp là vùng tai mũi họng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan trong toàn cơ thể bởi khả năng xâm nhập sâu vào phổi, chúng sẽ theo đường máu đến các cơ quan và "huỷ hoại" mọi bộ phận cơ thể.

Theo các nghiên cứu và công bố từ WHO, ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch cũng như tỷ lệ đột quỵ não, chiếm khoảng 25% các trường hợp.

Điều đáng nói, ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh như hen suyễn, ung thư phổi; ước tính có khoảng 30% các trường hợp ung thư phổi đã tử vong, và khoảng 43% trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Mặt khác, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm thay đổi hành vi; tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng tâm lý, tự kỷ và dễ gây cáu gắt.

Chưa dừng lại, tác động của ô nhiễm không khí còn gây nên một số căn bệnh cho cả trẻ em và người lớn như: viêm mũi, kích ứng mắt; các bệnh ngoài da; các bệnh mạn tính lâu dài như tiểu đường, ung thư; ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi, khiến bé bị sinh non, sinh nhẹ cân… và ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em (vì trẻ thở nhanh gấp đôi; các hạt mịn thấm vào phổi, đi vào máu và tác động đến sự phát triển não bộ).

Ô nhiễm không khí tàn phá hệ hô hấp nghiêm trong, đối với hệ hô hấp, đặc biệt mũi, là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường nên dễ viêm nhiễm trước tác động từ bên ngoài.

Tổ chức WHO cũng chỉ ra rằng, cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micron, với bụi có kích thước từ 0,01 đến 5 micron sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang.

Do đó, bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) rất dễ xâm nhập sâu vào phổi gây nên tình trạng khó thở, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản hay nhiễm trùng đường hô hấp.

Hơn thế, ngay cả đối với người khoẻ mạnh bình thường, việc tiếp xúc với 6 chất chính gây ô nhiễm không khí dù trong thời gian ngắn cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe ngắn hạn tại mắt, mũi, họng, phổi.

Nếu tiếp xúc lâu dài với các chất trên sẽ gây ra các bệnh nghiêm trọng như viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi; tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi, thúc đẩy bệnh xơ gan; tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng, tiểu đường.

Biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí

Khắc phục ô nhiễm không khí qua cải tiến kỹ thuật, sáng tạo ra những dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm để thay thế các loại máy mọc, dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm không khí nhiều. Thay thế nhiên liệu đốt cháy từ than đá, dầu mazut bằng việc sử dụng điện để ngăn chặn ô nhiễm không khí bởi mồ hóng và SO2.

trong(1).jpg
Tạo ra các diện tích cây xanh rộng lớn trong thành phố giúp giảm ô nhiễm không khí.

Khắc phục ô nhiễm bằng biện pháp quy hoạch, giảm thiểu việc xây dựng các khu công nghiệp khu chế xuất trong thành phố, chỉ giữ lại các xí nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc và phương tiện tham gia giao thông, qua đó làm giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu trong không khí, nhất là vào giờ cao điểm. Tạo ra các diện tích cây xanh rộng lớn trong thành phố, thiết lập các dải cây xanh nối liền các khu vực khác nhau của thành phố, nhất là các khu vực, tuyến phố có nhiều phương tiện qua lại và hay xảy ra tình trạng ùn tắc. Ngoài ra nên khuyến cao người dân giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường tránh ô nhiễm không khí.

Lọc không khí bằng phương pháp sinh học, lọc sinh học là một biện pháp xử lý ô nhiễm không khí tương đối mới, đây là một phương pháp hấp dẫn để xử lý các chất khí có mùi hôi và các hợp chất bay hơi có nồng độ thấp.Các chất khí gây ô nhiễm không khí sẽ bị hấp phụ bởi màng sinh học, tại đây, các vi sinh vật sẽ phân hủy chúng để tạo nên năng lượng và các sản phẩm phụ là CO2 và H2O theo phương trình sau: Chất hữu cơ gây ô nhiễm + O2 à CO2 +H2O + nhiệt + sinh khối.

Xử lý khí thải bằng công nghệ sinh học, công nghệ Biofilter (lọc sinh học) là một biện pháp xử lý ô nhiễm không khí có chi phí đầu tư thấp, vận hành rẻ và thân thiện môi trường, nó phương pháp thích hợp để xử lý các chất khí có mùi hôi và các hợp chất hữu cơ bay hơi có nồng độ thấp như nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, tinh bột sắn

Máy lọc không khí, máy sử dụng công nghệ phát ra các điện tích âm vào không khí, trung hoà với các điện tích đối xứng là những ion dương có hại trong môi trường và tạo hiệu ứng thu hút bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc…máy lọc không khí sẽ cung cấp ion âm và điều hoà không khí.

Khẩu trang, ngăn ngừa sự xâm nhập vào đường hô hấp của các hạt bụi cực nhỏ và các chất thải ô nhiễm khác.Lọc mùi hôi, hóa chất, mùi xăng, khói quang hóa, khói đen, phấn hoa. Ngăn bụi, khí độc như CO, SO2, NO2, H2S, NH3…. Bảo vệ hệ hô hấp, hạn chế viêm mũi dị ứng do các chất ô nhiễm không khí gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.