11.jpg

Việc triển khai phân loại rác tại nguồn từ ngày 1/1/2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện chất lượng quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là một giải pháp thiết thực giúp giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý rác thải, khi phân loại tại nguồn sẽ làm giảm khối lượng rác thải cần phải vận chuyển, xử lý.

12.jpg

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã đưa ra mức phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với các hộ gia đình không thực hiện phân loại rác sau ngày 31/12/2024, cùng với yêu cầu sử dụng bao bì đúng quy chuẩn.

Tại Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thẳng thắn thừa nhận: Trong phân loại rác hiện nay chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương. Trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc…

Ngoài ra, phía đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác thải phân loại rác tại nguồn cũng phản ánh, đã đầu tư nhiều trang thiết bị, xe chở rác để phục vụ phân loại rác thải nhưng còn thiếu hướng dẫn, cơ chế cho doanh nghiệp thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Quy trình, định mức cho công tác phân loại rác tại nguồn đã có nhưng chưa có hướng dẫn để tính toán đơn giá thu gom, vận chuyển cũng như xử lý chất thải, chi phí xử lý chất thải nguy hại…

Vậy làm sao để giải quyết những rào cản này, tháo gỡ các vướng mắc từ chính sách đến thực tế triển khai, đồng thời tạo động lực cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân đồng hành cùng nhau trong việc phân loại rác tại nguồn? Đây chính là bài toán đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ nhiều phía.

Các giải pháp cần phải cụ thể, thực tiễn và mang tính dài hạn, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng đến cải thiện cơ sở hạ tầng, và quan trọng nhất là xây dựng một cơ chế rõ ràng để tất cả các bên cùng tham gia và chia sẻ trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ khi mọi yếu tố này được kết nối nhịp nhàng, phân loại rác tại nguồn mới có thể thành công và thực sự tạo ra những thay đổi tích cực trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Cần giải pháp đồng bộ và hướng dẫn cụ thể

Việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, mặc dù đã được quy định trong các văn bản pháp lý nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thực tế. Theo PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, việc phân loại rác đối với người dân không phải là việc đơn giản, vì hiện nay thiếu sự đồng bộ cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. Điều này phản ánh thực trạng khi mà hệ thống phân loại rác còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai nhất quán ở các địa phương, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Một trong những khó khăn chính là thiếu sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất. Phân loại rác thải đòi hỏi mỗi hộ gia đình phải trang bị thùng rác riêng biệt cho từng loại rác, chẳng hạn như thùng cho rác hữu cơ và thùng cho rác vô cơ… Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có đủ khả năng để trang bị các thùng phân loại rác.

Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất, việc tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác cho người dân cũng chưa thực sự rõ ràng.

13.jpg

Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ giữa các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý rác cũng là một vấn đề lớn. Dù người dân đã nỗ lực phân loại rác tại nguồn, nhưng khi rác được thu gom, các đơn vị thu gom lại thiếu phương tiện và cơ sở vật chất để xử lý đúng cách.

PGS.TS Bùi Thị An nhận định: "Một số nơi, người dân có điều kiện thực hiện phân loại, nhưng khi đến khâu thu gom, những người thu gom lại không có đủ điều kiện để xử lý hoặc không có cơ sở vật chất để tập kết rác phân loại đúng cách. Điều này làm cho việc phân loại rác trở nên vô nghĩa nếu như không có sự kết nối hiệu quả giữa các khâu trong quy trình thu gom và xử lý”.

Các vấn đề trên cho thấy, để Nghị định về phân loại rác sinh hoạt thực sự đi vào thực tiễn, cần có sự đồng bộ từ cơ sở vật chất, tuyên truyền cho đến công tác tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, những khó khăn về mặt cơ sở hạ tầng, nhận thức của người dân và sự thiếu đồng bộ giữa các khâu thu gom và xử lý vẫn là các yếu tố cần được giải quyết triệt để để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

phan-loai-rac.jpg
Nhiều địa phương hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

Giải quyết vấn đề trên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Trước hết, cần có thông tin hướng dẫn rõ ràng về cách thức phân loại ra sao? Với những loại rác hữu cơ, dễ phân hủy thì được hướng dẫn ủ, xử lý tại nhà như thế nào để giảm thiểu các khâu xử lý lớn hơn?"

"Một vấn đề đơn giản nhưng quan trọng nữa là thùng đựng rác vì bây giờ chúng ta phải phân loại thành rất nhiều nhóm khác nhau. Việc này ở khu vực thành phố, có thể khuyến khích người dân mua các thùng đựng rác có thể dễ dàng. Còn ở những vùng khó khăn, nhà nước có thể hỗ trợ cấp phát cho người dân các thùng phân loại riêng biệt. Tuy nhiên, việc này sẽ cần sự tham gia và phối hợp chặt chẽ từ chính quyền địa phương để bảo đảm tính khả thi trong triển khai”, PGS.TS Bùi Thị An bổ sung.

Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt ưu tiên khu vực nông thôn, miền núi

Một trong những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả công tác phân loại và xử lý rác thải chính là xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, phù hợp với từng địa phương. Việc này không chỉ quan trọng đối với các khu vực đô thị lớn mà còn đặc biệt cần thiết tại các khu vực nông thôn, miền núi - nơi điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

14.jpg

Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, nếu thiếu đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ xử lý, mọi nỗ lực phân loại rác sẽ trở nên vô ích.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia môi trường cũng khẳng định vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng trong chiến lược phân loại và xử lý rác thải. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phát triển các trạm trung chuyển đạt chuẩn và phương tiện thu gom hiện đại là một trong những yêu cầu cơ bản để đảm bảo tính khả thi của các chương trình phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là ở các khu vực có lượng rác lớn nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng.

Các khu vực nông thôn và miền núi có đặc thù riêng, cần những giải pháp linh hoạt và thích hợp. Với điều kiện địa lý và kinh tế chưa thuận lợi, việc xây dựng các trạm trung chuyển và điểm tập kết đạt chuẩn là vô cùng cần thiết. Những điểm tập kết này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn làm giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả thu gom rác thải.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các phương tiện thu gom chuyên dụng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng rác thải không được xử lý đúng cách, dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Lê Hùng Anh cho biết thêm, ngoài ra việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, như các nhà máy đốt rác phát điện, cũng cần được quan tâm để giải quyết vấn đề xử lý rác thải một cách hiệu quả. Chính quyền các địa phương cần xây dựng chiến lược đầu tư bài bản để phát triển công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực. Đây là cách làm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả phân loại rác mà còn đảm bảo quá trình xử lý diễn ra thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, không chỉ các thành phố lớn mà các khu vực nông thôn, miền núi cũng sẽ được hưởng lợi từ những chương trình phân loại và xử lý rác thải hợp lý. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo dựng một tương lai bền vững.

Cần phối hợp nhịp nhàng theo "chuỗi" để thực thi phân loại rác hiệu quả

Để việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen bền vững, một chiến lược tổng thể với sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều yếu tố là điều cần thiết. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền và cơ chế xử phạt hợp lý. Mỗi yếu tố trong "chuỗi" này cần được triển khai đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ để tạo nên một hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đi từ phân loại, thu gom đến xử lý rác thải.

unnamed-3-.jpg

Đầu tiên, công tác tuyên truyền phải được thực hiện liên tục và sáng tạo để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc phân loại rác – không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: “Phân loại rác từ đầu nguồn là một biện pháp rất căn cơ và quan trọng trong việc chống ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên và phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện phân loại ngay từ đầu nguồn. Nếu không làm được việc phân loại ngay từ đầu, thì tất cả các khâu sau đó sẽ không có ý nghĩa. Mặc dù việc phân loại từ đầu nguồn có tầm quan trọng rất lớn, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi có đầy đủ điều kiện hỗ trợ".

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chính quyền cần sáng tạo trong cách thức truyền tải thông điệp, từ các chiến dịch giáo dục môi trường tại trường học, đến các chương trình truyền thông trực quan qua tờ rơi, video hay tọa đàm… Chỉ khi người dân hiểu và nhận thức rõ ràng về lợi ích, họ mới sẵn sàng thay đổi thói quen.

screenshot-2025-01-22-144706.jpg

Các chuyên gia đều cho rằng, tuyên truyền phải đi đôi với hành động thực tế, nếu không có sự tham gia chủ động của cộng đồng, mọi giải pháp công nghệ hay cơ sở hạ tầng sẽ khó phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc triển khai công tác xử phạt đối với hành vi không phân loại rác cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mức phạt đối với các hành vi vi phạm có thể dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức phạt này có thể sẽ không tối ưu nếu như không đi kèm với các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện đúng quy định.

"Mức phạt có thể giúp nâng cao cảnh giác, nhưng việc thay đổi hành vi lâu dài chỉ có thể đạt được qua giáo dục và những lợi ích thực tế mà người dân nhận được từ việc phân loại rác. Việc kết hợp hình thức xử phạt với các chương trình thưởng cho những hộ gia đình thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn".

PGS.TS Bùi Thị An

Thực tế tại các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản cho thấy, hệ thống xử lý rác tại nguồn rất hiệu quả nhờ vào sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, khuyến khích và chế tài xử phạt. Họ bắt đầu bằng việc hỗ trợ người dân, cung cấp cơ sở hạ tầng và thông tin cần thiết, sau đó mới triển khai các biện pháp xử phạt. Nếu thiếu sự hỗ trợ này, việc áp dụng phạt có thể phản tác dụng và gây khó khăn trong việc thực thi.

Một trong những vấn đề quan trọng mà các chuyên gia chỉ ra là chưa có cơ chế rõ ràng để thực hiện các mức phạt. PGS.TS Lê Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cho biết: “Mặc dù việc phạt có thể giúp răn đe, nhưng nếu các cơ chế và quy trình không được làm rõ từ phía chính quyền, việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn”. Chính vì vậy, để quy định này có tác dụng thực tế, các cơ quan chức năng cần phải có một hệ thống giám sát và thực thi chặt chẽ, đảm bảo rằng những người vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời và đúng đối tượng.

Cuối cùng, để việc phân loại rác tại nguồn trở thành công cụ quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, cần phải có một hệ thống triển khai bài bản, với sự phối hợp nhịp nhàng từ tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở hạ tầng, đến các cơ chế xử phạt hợp lý. Mọi hoạt động này cần được triển khai đồng bộ và linh hoạt, để việc phân loại rác thực sự trở thành một thói quen của cộng đồng, không chỉ vì nghĩa vụ mà vì lợi ích chung cho môi trường và cộng đồng.

Sau một thời gian thực thi, việc phân loại rác sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có thể chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhưng đây là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng. Sự thành công của chính sách này không chỉ phụ thuộc vào quy định và mức phạt mà còn vào công tác tuyên truyền, giáo dục và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng. Nếu người dân nhận thức được lợi ích lâu dài của việc phân loại rác, cùng với sự hỗ trợ đầy đủ từ các cơ quan chức năng, việc phân loại rác sẽ dần trở thành một thói quen không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.

Bài liên quan
  • Phân loại rác tại nguồn: Người dân “than khó”, không khả thi
    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, việc triển khai quy định này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phân loại rác tại nguồn: Kết hợp theo "chuỗi" để tháo gỡ khó khăn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.