(Moitruong.net.vn) – Ô nhiễm môi trường, thiên nhiên bị tàn phá nặng nề do phát triển kinh tế đã tác động không nhỏ tới cuộc sống của con người trên toàn cầu. Liên hợp quốc đã chọn ngày 5/6 hằng năm là Ngày Môi trường Thế giới, nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới đời sống xã hội của loài người trên Thế giới. Để làm rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày Môi trường Thế giới năm nay, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề trên.
PV: Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Sống hài hòa với thiên nhiên”, xin ông cho biết ý nghĩa của Chủ đề này.
Ông Hoàng Văn Thức: Năm 2017, Chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là: “Sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ Trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên.
“Sống hài hòa với thiên nhiên” – Chủ đề năm nay kêu gọi chúng ta nhận thức được cộng đồng là một phần của tự nhiên và có liên quan mật thiết với nhau; giá trị của thiên nhiên mang lại cảnh quan môi trường sinh thái cho con người, đồng thời cần phải hết sức trân trọng bảo vệ giữ gìn bảo tồn trong hoạt động phát triển kinh tế, vừa khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại cho nền kinh tế nhưng đồng thời phải đi đôi với làm tốt công tác bảo vệ môi trường để gìn giữ giá trị thiên nhiên mang lại nhằm phát triển bền vững.
Năm nay, Canada – quốc gia chủ nhà đăng cai tổ chức và sẽ là nơi tâm điểm của sự kiện lớn này trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
PV: Hiện nay một số địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, tuy nhiên vì thiếu quy hoạch đồng bộ nên dẫn đến tình trạng thiên nhiên bị tàn phá, dưới góc độ cơ quan quản lý về môi trường ông đánh giá thế nào về tác động của du lịch đối với thiên nhiên.
Ông Hoàng Văn Thức: Việt Nam chúng ta là một nước có tiềm năng về đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đấy là một lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Hoạt động du lịch có vai trò quan trọng đối với các lĩnh vực trọng tâm của phát triển bền vững như tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững; hòa nhập xã hội, việc làm và giảm nghèo; giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; cũng như duy trì các giá trị văn hóa, di sản; tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hòa bình và an ninh.
Khu đô thị lấn biển Vinhomes Hạ Long Bay, lấn Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên Thế giới hàng mấy chục héc ta, được cho là ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường và thiên nhiên của Vịnh Hạ Long
Năm nay Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 đã quyết định lựa chọn là “Năm quốc tế về Du lịch bền vững để phát triển” và tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn Chủ đề “Đa dạng sinh học và du lịch bền vững” nhằm hưởng ứng Quốc tế về Ngày Đa dạng sinh học 22/5.
Hiện nay một số địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, nhằm phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa cũng như thu hút, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, tuy nhiên tại một số địa phương quy hoạch vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây khó khăn về quản lý, bảo vệ và khai thác.
Du lịch một mặt góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng tuy nhiên điều khó tránh khỏi đó là sự phát triển của du lịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường như gia tăng ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi sự quân bình môi sinh đối với môi trường sống của hệ sinh vật, gia tăng ô nhiễm môi trường…
Vì vậy việc phát triển du lịch phải đi cùng với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường, để luôn đảm bảo các giá trị phong phú của các địa điểm du lịch, đảm bảo tính đặc hữu của hệ sinh thái, giảm nguy cơ và duy trì, tăng cường bảo vệ các quần thể, các loài hoang dã và các giá trị đa sinh học thông qua doanh thu du lịch.
PV: Vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và phức tạp khó lường, Những năm qua Tổng cục Môi trường đã có kế hoạch, chỉ đạo cụ thể như thế nào nhằm quản lý tốt môi trường, vấn đề mà thời gian qua được xã hội rất quan tâm.
Ông Hoàng Văn Thức: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong những năm qua Tổng cục Môi trường luôn nổ lực để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường các hoạt động hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới cộng đồng, xã hội.
Một số các hoạt động cụ thể mà Tổng cục Môi trường đã và đang tiến hành triển khai nhằm thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu:
– Từng bước cải tiến và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu; dự án thuộc loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy với chi phí xử lý cao; dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn có tác động xấu tới môi trường sinh thái. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM, nhất là về ĐTM tổng hợp, ĐTM xuyên biên giới; về đánh giá môi trường chiến lược. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư.
– Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại theo mức độ gây ô nhiễm, tác động xấu và thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000; các quy định về hướng dẫn sử dụng hạn ngạch phát thải và hình thành thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải; quy định về kiểm toán chất thải và đánh giá vòng đời sản phẩm. Thực hiện nghiêm Quyết định số 1788/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào làng nghề; phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi.
– Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Tăng cường kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, phương tiện, thiết bị đã qua sử dụng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý xuất nhập khẩu và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; chấm dứt tình trạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc vận chuyển chất thải qua biên giới không đúng quy định. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng.
– Tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cho vận hành hệ thống xử lý chất thải, trước mắt tập trung vào một số loại hình hoạt động như: hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn y tế nguy hại; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải làng nghề; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung; hệ thống xử lý nước rỉ rác tại công trình xử lý rác thải tập trung. Xây dựng và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại 04 vùng kinh tế trọng điểm.
– Xây dựng và triển khai dự án đầu tư hoàn thiện hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia, hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, môi trường không khí tại các đô thị lớn, nước mặt tại các lưu vực sông chính, hệ thống giám sát, cảnh báo kịp thời ô nhiễm dầu trên biển. Bổ sung, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường, trọng tâm là các vùng, khu vực nhạy cảm, phát triển kinh tế – xã hội (lưu vực sông, vùng kinh tế trọng điểm).
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được Bộ TN&MT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
– Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tổng thể của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện pháp lý cho công tác quản lý tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia và cộng đồng. Xúc tiến việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới, tăng cường năng lực quản lý các khu bảo tồn hiện có theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Tăng cường các biện pháp hiệu quả bảo vệ các loài hoang dã, loài nguy cấp, quý hiếm.
– Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính.
– Tích cực tham gia đánh giá các tác động đến môi trường và đa dạng sinh học của Nghiên cứu tác động các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công để tham mưu với Đảng và Nhà nước có các đối sách và giải pháp kịp thời trong giải quyết các vấn đề nhạy cảm trong hợp tác Mê Công.
– Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, các lưu vực sông, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần phải bảo vệ; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển một số ngành sản xuất, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải, từng bước hình thành và phát triển ngành kinh tế môi trường ở Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải kết hợp thực hiện các gói kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng các loại sản phẩm này.
– Hình thành diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường với cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
PV: Ngày Môi trường thế giới 05/6 và “Tháng hành động vì môi trường” được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xin ông cho biết một số hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Ông Hoàng Văn Thức: Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới trên phạm vi toàn quốc, trong đó phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức các hoạt động chính tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện các hoạt động cụ thể hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng trong thời điểm Ngày Môi trường thế giới.
Năm nay chuỗi hoạt động “Tháng hành động vì môi trường” của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm 11 hoạt động chính: Tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế về Công nghệ môi trường và Sản phẩm sinh thái năm 2017; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2017; Tổ chức Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”; Tổ chức lớp học môi trường cho học sinh Trung học cơ sở; Chương trình Truyền hình trực tiếp Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” và trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Chương trình trồng cây xanh; Diễn đàn Đối thoại Chính sách về Môi trường và Phát triển bền vững khu vực phía Nam; Hội thảo “Ảnh hưởng của đốt ngoài trời tới môi trường và sức khỏe con người”; Tọa đàm về “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp với công tác tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường”; Phát động Cuộc thi Sáng tác ảnh về bảo vệ môi trường; Tập huấn Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trong đó có 06 hoạt động được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm Truyền hình trực tiếp Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” và trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017; Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”; Hội nghị Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững khu vực phía Nam; Chương trình trồng cây xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017, Hội thảo “Nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe và môi trường do hoạt động đốt ngoài trời” và Lớp học Môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017.
Chúng tôi mong muốn rằng các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2017 sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực tới cộng đồng nói chung và công tác bảo vệ môi trường nói riêng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hùng Thắng(thực hiện)