Phụ nữ Phú Yên “xách giỏ đi chợ” để hạn chế túi nilon bảo vệ môi trường

Lê Hoài|04/04/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình “Giỏ nhựa đi chợ” do Hội LHPN phường 4, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phát động đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày xách giỏ nhựa đi chợ, các bà, các mẹ tại phường 4, thành phố Tuy Hòa đã giảm được hàng trăm chiếc túi nilon. Hành động rất nhỏ này đã và sẽ mang lại lợi ích lớn cho môi trường.

W_giam-rac-thai-nhua-2-.jpg
Người dân dần dùng giỏ xách thay vì đi đến chợ và dùng túi nilon như trước

Thời gian qua, đông đảo chị em hội viên phụ nữ phường 4 “rủ nhau” cùng xách giỏ nhựa đi chợ. Hình ảnh vừa lạ, vừa quen khiến ai nấy đều chú ý, hỏi han. Các chị cũng tranh thủ tuyên truyền đến các tiểu thương và những bà nội trợ khác “cùng nhau” xách giỏ theo khi đi chợ, vậy là ai cũng tán thưởng và đồng ý làm theo. Tiểu thương tại chợ thì bớt được chi phí mua túi nilon cho khách hàng, còn người mua thì giảm lượng rác thải nilon tại nhà.

W_giam-rac-thai-nhua-1-.jpg
Xách giỏ đi chợ góp phần giảm sử dụng túi nilon

Là một người dân, đi đầu trong phong trào giảm chất thải nhựa do phường phát động, chị Phạm Thị Bích Liễu, Phường 4, TP. Tuy Hòa bày tỏ: “Tôi muốn góp một phần sức nhỏ để mọi người hạn chế rác thải nhựa dùng một lần, giúp thành phố thêm xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn”.

Ngày trước, mỗi khi đi chợ bà Trương Thị Hương, phường 4, TP. Tuy Hòa cũng mang về nhà 5 đến 10 túi nilon lớn nhỏ đựng các loại rau, trái cây, cá, thịt,… Nhận thấy những túi nilon này không dùng lại được, dễ dàng biến thành rác thải ngay sau đó. “Tháng trước, Hội Phụ nữ phường đến tuyên truyền chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, tôi nhận thức được tác hại của túi nilon nên mua cái giỏ nhựa đi chợ chỉ hơn 30.000 đồng, góp phần hạn chế mang bao nilon về nhà” - bà Sen nói.

Với sự tiện lợi của các loại túi nilon, nhiều chị em đã dần bỏ quên giỏ nhựa. Nhận thấy việc sử dụng túi nilon dùng một lần ngày càng nhiều, lại khó xử lý, Hội LHPN phường 4 thành lập mô hình Phụ nữ sử dụng giỏ nhựa đi chợ, ban đầu với 40 thành viên, đến nay số thành viên đã tăng lên đáng kể. Hình ảnh chị em xách giỏ nhựa đi chợ xuất hiện mỗi ngày cũng góp phần “nhắc nhớ” những chị em khác hạn chế đồ nhựa dùng một lần, túi nilon. Một chiếc giỏ nhựa thế này có giá hơn 30.000 đồng - bằng tiền 1kg túi nilong nhưng sử dụng được đến vài năm.

Là người phát động mô hình Xách giỏ nhựa đi chợ, đồng thời cũng là một trong những người tiên phong trong các hoạt động giảm chất thải nhựa, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN phường 4, TT. Tuy Hòa chia sẻ: Thời gian đầu, mô hình của Hội chỉ có 40 thành viên. Mỗi chị em phụ nữ là một tuyên truyền viên, thông qua các hoạt động của mình đã vận động các chị em khác thấy được lợi ích việc sử dụng giỏ đi chợ, giảm thiểu dùng túi nhựa, tiết kiệm chi phí sinh hoạt.Sau thời gian hoạt động, nhận thấy hiệu quả, nhiều người dân cũng đã tham gia, đến nay số hội viên tăng lên hàng trăm người. Bên cạnh việc phát triển mô hình, phát triển hội viên trong khu vực. Mỗi thành viên trong hội cũng tận tình hướng dẫn tiểu thương gói hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; vận động người dân khi đi chợ mang theo giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần, túi tái chế hoặc túi làm từ nguyên liệu dễ phân hủy”.

W_giam-rac-thai-nhua-3-.jpg
Người dân TP .Tuy Hòa hưởng ứng mô hình và dần dùng giỏ nhựa đi chợ thay cho túi nilon

Như chúng ta đã biết rác thải nhựa, trong đó có túi nilon, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở quá trình phát triển của các loài động, thực vật…

Việc sản xuất nhựa gây ra khí thải carbon, làm trái đất nóng lên và hơn 90% sản lượng nhựa đến từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Để giảm thiểu việc sản xuất nhựa, đòi hỏi chúng ta phải có khả năng tái sử dụng, tái chế hoặc thải bỏ các sản phẩm nhựa một cách có trách nhiệm. Lợi ích lớn bắt đầu từ một hành động nhỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ Phú Yên “xách giỏ đi chợ” để hạn chế túi nilon bảo vệ môi trường