VIDEO: Phúc Thọ (Hà Nội): Nhiều xưởng mộc, gỗ ván ép hoạt động trái phép “bức tử” môi trường
Hoạt động gây ô nhiễm môi trường
Phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, người dân xóm An Bình, thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội cho biết: Các xưởng mộc, gỗ ép nằm gần khu dân cư, trong quá trình sản xuất xả ra bụi, mùi sơn và khí thải khét lẹt gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Phú An, hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhưng lãnh đạo xã Thanh Đa vẫn ngó lơ
Anh H.Đ.Q, người dân thôn Phú An chia sẻ: Mấy xưởng gỗ hoạt động gây bụi kinh khủng, họ không thu gom bụi mà thổi thẳng ra ngoài khiến cây cối xung quanh lúc nào cũng phủ 1 lớp bụi trắng xóa. Bên cạnh đó mùi sơn nồng nặc từ các xưởng phát ra rất khó chịu. Còn xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Đường mới nâng cấp hoạt động vài tháng nay xả khói đen kịt, mùi rất khét. Nhất là những ngày trời nhiều mây, khói không thoát lên được khói cứ bay là là trong không khí nên mùi rất nặng.
Ông Nguyễn Văn Sáng – Xóm trưởng xóm An Bình cho biết: Xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Đường đốt bằng gỗ công nghiệp nên xả ra khói đen mùi khét lẹt, khiến bà con rất bức xúc
Ông Nguyễn Văn Sáng – Xóm trưởng xóm An Bình cho biết: Khu vực chân đê La Thạch có 3 xưởng sản xuất đồ mộc, gỗ. Trong đó xưởng của ông Đường phát triển mạnh hơn cả. Xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Đường hoạt động từ tháng 10/2019, thời gian đầu đốt bằng gỗ công nghiệp nên xả ra khói đen mùi khét lẹt khiến bà con rất bức xúc nhưng gần đây đã chuyển sang đốt bằng củi. Còn 2 xưởng mộc thì cũng gây bụi cùng mùi sơn kinh khủng. Theo tôi, trước khi làm xưởng thì các hộ chỉ cần để giành một diện tích nhỏ độ vài m2 để đầu tư hệ thống thu gom bụi, giàn phun nước, phun mưa sẽ giảm được đáng kể bụi nhưng các hộ ở đây không làm được hiệu quả. Đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhu cầu đòi hỏi một môi trường sống trong lành ngày càng lớn, nên những cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung cho người dân, không thể cứ chạy theo lợi nhuận để rồi ô nhiễm thi người dân hứng chịu. Qua báo chí, mong các cơ quan ban ngành của xã, huyện Phúc Thọ và Thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ sở sản xuất mộc, gỗ công nghiệp tại khu vực chân đê La Thạch tìm tra biện pháp xử lý môi trường hợp lý.
Ông Hoàng Đình Mùi – Bí thư thôn Phú An, xã Thanh Đa cho biết: 2 xưởng mộc của ông Lê Tiến Hà và ông Lê Tiến Ngọc đều chưa được trang bị hệ thống xử lý môi trường
Ông Hoàng Đình Mùi – Bí thư thôn Phú An cho biết: Gia đình ông Đường ngày xưa làm mộc thời gian gần đây sản xuất thêm gỗ dán, khi hoạt động ông Đường mua gỗ công nghiệp loại thải của các xưởng về đốt xả ra khói đen có mùi khét gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, người dân đã có kiến nghị. Qua cuộc họp HĐND, năm 2019 tôi có phản ánh tới HĐND xã, sau đó UBND xã đã sang kiểm tra tuyên truyền vận động, lập biên bản yêu cầu ông Đường phải có biện pháp xử lý khói.
Tuy nhiên, khi PV cho ông Mùi xem những hình ảnh xả khói đen nghi ngút của ông Đường mà PV vừa ghi nhận được, ông Mùi cho biết: Do mấy ngày nay tôi bận phòng chống dịch Covid -19 nên cũng không để ý. Nếu xưởng của ông Đường vẫn tiếp tục xả khói đen thế này là không được, UBND xã cần kiểm tra ngay.
Khói đen từ xưởng sản xuất gỗ ván ép của ông Hoàng Đình Đường xả ra môi trường khét lẹt, khiến người dân bức xúc
Được biết, khu vực chân đê La Thạch có 2 xưởng mộc của ông Lê Tiến Hà và ông Lê Tiến Ngọc. Theo quan sát 2 hộ này đều chưa trang bị hệ thống xử lý môi trường. Bụi gỗ trong quá trình cắt, bào, mài…không được thu gom xử lý mà dùng quạt thổi thẳng ra phía sau nhà xưởng khiến cây cối xung quanh luôn bám 1 lớp bụi dày đặc, phòng sơn còn thô sơ chưa đủ tiêu chuẩn.
Do không có hệ thống xử lý bụi, nên trong quá trình cắt gỗ bụi mùn cưa thổi thẳng ra môi trường
Hơn nữa ông Lê Tiến Hà – Chủ xưởng mộc còn cho biết, gia đình ông hoạt động tự phát từ làm nghề mà lên, nên không cần thiết có đăng ký kinh doanh. Việc hoạt động không có giấy phép đăng ký kinh doanh đã gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Việc này UBND xã có biết? Còn bà Hoàn, vợ ông Ngọc cho biết trước kia sản xuất ở trong làng nhưng do người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường nên mới chuyển ra hoạt động ở đây. Về vấn đề thực hiện Luật bảo vệ môi trường không có cơ quan chức năng nào hướng dẫn nên gia đình bà cũng chưa thực hiện.
Cây sấu bị phủ một lớp bụi dày không còn sức sống
Còn tại xưởng gỗ ván ép của ông Hoàng Đình Đường, 2 ống khói vẫn đang đua nhau xả ra những làn khói đen nghi ngút, mùi khét lẹt lan tỏa trong không khí thổi thẳng vào nhà dân. Hơn nữa gỗ còn được công ty tập kết ngay triền đê tiềm ẩn nguy cơ sạt gỗ gây nguy hiểm cho người dân. Mặc dù trước sự việc này, ngày 25/12/2019 UBND xã Thanh Đa đã kiểm tra và yêu cầu ông Hoàng Đình Đường – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Hoàng Tiến phải chấm dứt ngay hành vi tập kết gỗ tại sườn đê La Thạch nhưng tại thời điểm PV ghi nhận công ty không chấp hành,
UBND xã “ngó lơ” trước những sai phạm tại thôn Phú An?
Được biết, tại biên bản làm việc ngày 25/12/2019 của UBND xã Thanh Đa với ông Đường ghi nhận: Có xưởng ép gỗ công nghiệp tại khu hộc đê thôn Phú An phải thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường về khí thải của xưởng ép gỗ, không đun đốt lò sấy bằng gỗ công nghiệp thải của các xưởng mộc thải ra, không để xe và vận chuyển hàng tại khu dốc đê thôn Phú An, không được lưu thông xe nâng hàng hóa tham gia trên đường giao thông thôn, xã.
Biên bản làm việc giữa UBND xã Thanh Đa và ông Hoàng Đình Đường về việc hoạt động gây ô nhiếm môi trường
Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: Xóm An Bình có 7 hộ sản xuất gồm đồ mộc, gỗ, inox, xẻ đá trên diện tích đất quỹ 1 của dân từ năm 2006 gồm: ông Hoàng Đình Đường, Hoàng Vĩnh Hải, Nguyễn Văn Hà, Hoàng Vĩnh Quyết, Nguyễn Văn Tuấn, Lê Tiến Ngọc, Nguyễn Văn Hồng. Năm 2019, UBND xã đã phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra và xác định các hộ hoạt động không đúng mục đích sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Thanh Đa khẳng định: Cả 7 hộ sản xuất tại thôn Phú An đều chưa được cấp kế hoạch bảo vệ môi trường, cũng không tiến hành quan trắc môi trường định kì. Xã đã yêu cầu các hộ tạm dừng hoạt động nhưng họ chưa thực hiện
Trao đổi về các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của 7 hộ nêu trên, ông Mạnh cho biết: Cả 7 hộ đều chưa được cấp kế hoạch bảo vệ môi trường, cũng không tiến hành quan trắc môi trường định kì. Xã đã yêu cầu các hộ tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng vì nhiều lý do nên họ chưa thực hiện. Chúng tôi chưa tiến hành xử phạt hành chính đối với các hộ này.
Tình trạng xây dựng nhà xưởng hoạt động trái phép diễn ra từ lâu, nhưng không được lãnh đạo xã Thanh Đa vào cuộc xử lý
Rõ ràng việc hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường của các hộ trên đã diễn ra suốt một thời gian dài, nhưng năm 2019 UBND xã Thanh Đa mới kiểm tra và cũng không có một quyết định xử phạt nào được ban hành. Phải chăng UBND xã Thanh Đa đang bỏ ngỏ vấn đề môi trường, tạo điều kiện quá mức cho các cơ sở?
Lý giải câu hỏi này ông Mạnh cho biết: Do trên địa xã có quy hoạch cụm điểm công nghiệp 10ha nên các cơ sở còn khất chờ đền khi cụm công nghiệp xây xong sẽ làm thủ tục theo đề án chung và chấp hành nghiêm Luật bảo vệ môi trường.
Thế nhưng thực tế dự án xây dựng cụm điểm công nghiệp tại xã Thanh Đa đến nay vẫn chưa đền bù, giải phóng mặt bằng thì đến khi nào mới xây xong? Người dân nơi đây còn phải chịu đựng ô nhiễm đến bao giờ nếu lãnh đạo xã, huyện vẫn còn bỏ ngỏ, lỏng lẻo trong công tác quản lý môi trường. Như vậy xã đã làm hết trách nhiệm?
2 xưởng mộc của ông Lê Tiến Hà và ông Lê Tiến Ngọc không đầu tư lắp đặt hệ thống thu gom xử lý bụi và mùi sơn nên mỗi khi hoạt động là phát tan ra môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Mạnh thừa nhận: Trong quá trình kiểm tra UBND xã còn thực hiện chưa tốt, chưa quyết liệt. Sau buổi làm việc hôm nay chúng tôi sẽ rà soát lại công tác chấp hành luật đất đai môi trường của các hộ yêu cầu dừng hoạt động để đảm bảo môi trường, an ninh trật tự khu vực. Nếu không dừng hoạt động sẽ xử lý hành chính và báo cáo lên huyện để xử lý theo quy định.
Ông Hoàng Đình Đường – Chủ xưởng ép gỗ công nghiệp cho biết: Ông đang hoạt động dưới mô hình công ty có tên là Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Hoàng Tiến. Trong quá trình sấy gỗ chỉ xử lý khói thải bằng nước giếng khoan thông thường chứ không bổ sung thêm hóa chất gì để xử lý. Công ty không quan trắc môi trường và chưa được cấp kế hoạch bảo vệ môi trường. Hằng năm có các đoàn của xã, huyện về kiểm tra nhưng không ai nhắc nhở, hướng dẫn về các biện pháp xử lý môi trường.
Ông Nguyễn Doãn Xuân – Bí thư xã Thanh Đa cho biết: Sau buổi làm việc với nhà báo sẽ chỉ đạo chính quyền kiểm tra xử lý các cơ sở hoạt động tại thông Phú An
Ông Nguyễn Doãn Xuân – Bí thư xã Thanh Đa cho biết: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri và đối thoại giữa Bí thư, Chủ tịch tôi nhận được ý kiến phản ánh của người dân về các cơ sở sản xuất mộc, gỗ ván ép hoạt động gây ô nhiễm môi trường và giao cho UBND xã thành lập tổ công tác kiểm tra luật đất đai, môi trường, PCCC để làm sao nhân dân phát triển nhưng phải đúng quy định phát luật. Tuy nhiên, kết quả còn hạn chết, chưa triệt để. Qua đây có thể thấy chính quyền chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát còn chậm. Sau khi làm việc với cơ quan báo chí, tôi sẽ chỉ đạo UBND xã thực hiện quyết liệt sâu sát và hoạt động đúng các quy trình theo quy định của pháp luật thì các cơ sở mới được phép hoạt động, nếu không sẽ yêu cầu dừng sản xuất.
Đề nghị UBND huyện Phúc Thọ cần nhanh chóng vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm những sai phạm đối với xưởng gỗ, mộc như báo chí đăng tải nhằm trả lại cuộc sống trong lành cho người dân.
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.
Tuấn Phong – Thuỳ Dương