Quảng Bình: Bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý sa sâm

Mai Anh|14/02/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sa sâm là một dược liệu quý vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao, mọc nhiều trên vùng đất cát ven biển của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, hiện Sa sâm đang dần trở nên cạn kiệt do bị khai thác quá mức, hơn nữa, người dân vẫn chưa có ý thức và hành vi cụ thể về bảo vệ đa dạng sinh học, chính quyền địa phương còn đang thiếu kinh nghiệm để bảo tồn loài cây này.

Sa sâm có tên khoa học là Launaea Sarmentosa, hay còn gọi là sâm biển/sâm cát, rau chân vịt, hải cúc… Cây sa sâm được cho là loại cây “nhân sâm” quý, có giá trị cao về y dược vì toàn bộ rễ, thân, lá của cây đều sử dụng được. 

Theo các nghiên cứu khoa học, sa sâm Việt có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. 

cay-sa-sam.jpg
Sa sâm hay còn gọi là sâm biển/sâm cát, rau chân vịt, hải cúc…

Đáng nói, kết quả nghiên cứu tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho thấy, sa sâm Việt có hàng loạt tác dụng theo y học hiện đại. Trong đó, cao chiết ethanol 70% lá sa sâm có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm.... Với cao chiết ethanol 70% lá sa sâm, chế phẩm có tác dụng bảo vệ gan, duy trì các chỉ số chức năng gan ở mức gần như bình thường trên chuột thí nghiệm được gây nhiễm độc. 

Dược liệu này có vị đắng, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế và ích vị sinh tân. Lá tươi dùng ăn sống, nấu canh hoặc nấu nước uống giải nhiệt; bột chống lão hóa da, thanh lọc cơ thể. Bên cạnh đó, cao chiết methanol của lá cây sa sâm còn có tác dụng ức chế vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn lao ở nông độ thích hợp…

Cây sa sâm phát triển và thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cát cháy tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, cây sa sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn. 

Người dân địa phương cho biết, cây sa sâm thực chất là một loại rau mọc ở ven đồi cát. Trước đây, bà con ở những vùng ven biển phía Nam thường dùng cây rau này để nấu canh, nấu nước uống; còn củ sâm để ngâm rượu chứ không khai thác với mục đích kinh tế. Những năm gần đây, khi các nhà khoa học phát hiện giá trị của sa sâm, khẳng định đây là giống cây dược liệu quý do đó nhu cầu thị trường về sa sâm ngày càng lớn. 

Để góp phần khôi phục giống cây sa sâm bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường bền vững, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình (QBWDF) vừa triển khai dự án Dự án Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh. 

Dự án sẽ thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2, sau đó hướng dẫn kỹ thuật trồng cây theo hướng hữu cơ, trồng thí điểm tại hộ gia đình trên 800m2, kết hợp thăm dò thị trường đầu ra; tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả thí điểm, rút kinh nghiệm để mở rộng diện tích trồng trên 1.500m2 sau đó nhân ra thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo. Trong quá trình đó sẽ kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến để tạo tính bền vững của mô hình.  

Được triển khai từ tháng 1-9/2023, dự án sẽ góp phần khôi phục và phát triển giống cây bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường bền vững trên vùng cát với khoảng 1.000 người hưởng lợi, trong đó có 70% là phụ nữ 70%, nam giới 30%. Việc triển khai dự án sẽ tạo việc làm cho phụ nữ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương và là dịp để mỗi người dân cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường. 

Đây là tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào cây dược liệu, giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tương lai sẽ hướng đến việc kết nối thị trường với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm sa sâm Quảng Bình. 

kiem-tra-tien-do-trong-cay-sa-sam.jpg
Kiểm tra thực địa trồng thử nghiệm Sa sâm trên vùng đất cát tại tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch).

Trước đó, tại huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Dũng Na đã thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KH-CN) liên kết “Trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình”, mang lại nhiều triển vọng về sự hồi sinh cho một giống cây quý. Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng, nhiệm vụ KH-CN liên kết "Trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình" là mô hình trồng cây sa sâm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. 

Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn quan trọng của nền nông nghiệp Quảng Bình, là cơ sở để nhân rộng trồng loại cây này ra toàn tỉnh, góp phần khai thác tiềm năng vùng đất cát ven biển. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu nhiệm vụ sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì loại dược liệu quý, cung cấp nguồn giống cây dược liệu cho y học, giúp bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái bền vững. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý sa sâm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.