Mấy năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ kè sông Vu Gia đi qua thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa) đã ở mức báo động. Đoạn sạt lở ven sông trải dài 1km, ảnh hưởng trực tiếp đến 75 hộ dân thuộc tổ 1, tổ 2 có nhà ở sát triền sông của thôn Đại Phú.
Ông Mai Ngọc Dũng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đại Phú cho biết, nhiều năm trước, khu vực này cũng từng bị sạt lở nặng, Nhà nước triển khai di dời một số hộ ra khỏi vùng xung yếu và xây dựng bờ kè.
Thời gian qua, do tác động của dòng chảy, bờ kè sông tiếp tục bị sạt lở tại nhiều đoạn. Ước tính, các điểm sạt lở ảnh hưởng đến 400 hộ dân của Đại Phú và thôn lân cận là Trường An (xã Đại Quang).
“Nỗi lo về sạt lở của hàng trăm hộ dân qua mỗi đợt lũ càng chồng chất. Nếu không kè thì nguy cơ sạt lở ảnh hưởng tới đường và đền tưởng niệm Trường An” - ông Dũng nói.
Tại Đại Lãnh, tình trạng sạt lở bờ sông khu vực tổ 8, thôn Hà Tân cũng diễn biến phức tạp.
Theo bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, năm 2023, từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của Trung ương phân bổ, cũng vốn đối ứng của huyện, của tỉnh, UBND huyện Đại Lộc đã triển khai công trình kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia qua tổ 8. Tuy nhiên, tại khu vực chùa Hà Tân (xã Đại Lãnh), sạt lở bờ sông nhiều năm qua cũng ở mức báo động.
Theo sư trụ trì chùa Hà Tân - Thích Đồng Nhãn, tình trạng sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm trước bởi toàn bộ khuôn viên của chùa nằm ở khu vực ngã ba sông, nơi hợp lưu của hai con sông lớn. Hiện chùa Hà Tân đã vận động kinh phí từ nguồn xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng để triển khai xây dựng bờ kè, tuy nhiên do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên chưa thể triển khai.
Tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương như thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng), thôn Phúc Khương (xã Đại Cường)...
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, hiện gần 1km bờ sông Thu Bồn thuộc địa bàn 2 thôn Thuận Hòa và Phú Xuân của xã bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay khi xuất hiện sạt lở, địa phương đã cắm biển cảnh báo, có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân mùa mưa lũ. Ở một số khu vực xung yếu, người dân chủ động đan mành tre kè chắn bờ sông để ngăn sạt lở.
“Tình trạng sạt lở diễn biến nhanh, phức tạp trong vài năm gần đây nên người dân rất lo lắng. Trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội mới đây, cử tri liên tục kiến nghị về vấn đề này. Các đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện đã khảo sát thực tế, song việc đầu tư kè kiên cố vượt quá thẩm quyền nên đã tổng hợp, đề xuất trung ương xem xét” – ông Phụng cho biết.
Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, ngoài điểm sạt lở bờ sông Quảng Huế (xã Đại An) và điểm sạt lở bờ sông đi qua thôn Hà Tân đã và đang thi công bờ kè trong giai đoạn 2022 - 2023, hầu hết điểm còn lại chưa thể triển khai do thiếu kinh phí.
Riêng khu vực sạt lở bờ đông sông Vu Gia, huyện đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt để có hướng xây dựng bờ kè bảo vệ cơ quan và nhà dân lân cận. Riêng điểm sạt lở tại chùa Hà Tân, Phòng NN&PTNT huyện được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị khảo sát, xây dựng phương án, song lúng túng do vướng nhiều thủ tục.
Toàn huyện Đại Lộc hiện có 30 vị trí sạt lở bờ sông, trong đó có khoảng 10 điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Huế. Hiện nay địa phương đang thi công dự án kè chống sạt lở gần 300m bờ sông Quảng Huế (đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An). Còn các điểm còn lại chưa thể triển khai xây dựng, sửa chữa do thiếu kinh phí đầu tư hoặc vượt thẩm quyền.