Quảng Nam chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Vũ Thành|10/01/2023 22:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng ngày 10/1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT) năm 2023.

Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 toàn ngành tổ chức triển khai tốt, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là ở lĩnh vực chính sách pháp luật về đất đai liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 17 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền đã phê duyệt hơn 33 tỷ đồng. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về thẩm định hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh cấp, ban hành 61 giấy phép, quyết định liên quan đến hoạt động khoáng sản. Tổng số giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực tính đến ngày 13/12/2022 là 78 giấy phép, bao gồm 6 giấy phép do Bộ TN-MT cấp và 72 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

linh-vuc-tai-nguyen-moi-truong-1.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở TN-MT và các địa phương toàn tỉnh tham dự hội nghị

Công tác ứng dựng công nghệ thông tin được chú trọng, kịp thời triển khai các nhiệm vụ để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước. Cụ thể như dự án số hóa hồ sơ địa chính từ dạng giấy sang dạng số tại thị xã Điện Bàn; xây dựng phương án số hóa hồ sơ địa chính huyện Tiên Phước, Phú Ninh... Toàn ngành đang tiếp tục hoàn thiện dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai Quảng Nam; triển khai phần mềm quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai liên thông điện tử với dịch vụ công tỉnh, thuế tại Tam Kỳ.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu năm 2023 toàn ngành quan tâm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, tránh hời hợt hình thức để không ảnh hưởng danh mục dự án. Sở TN-MT phối hợp hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương, đánh giá đúng quy hoạch sử dụng đất, tiến độ tình hình đầu tư các công trình, đảm bảo tính khả thi để cập nhật điều chỉnh bổ sung kịp thời.

Toàn ngành và các địa phương tập trung cho công tác số hóa cơ sở dữ liệu đất đai để hình thành nền tảng cho các ngành khác tham chiếu, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự đồng bộ trên toàn tỉnh; triển khai các quy định tỉnh đã ban hành, cập nhật bổ sung về giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thực hiện cần nắm bắt diễn biến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), vừa giải quyết bài toán thực tế vừa theo dõi định hướng. Đẩy mạnh cải cách hình chính lĩnh vực TN-MT.

Đẩy nhanh việc rà soát đất công ích, chú ý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp như chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, tách thửa...; cần cẩn trọng, không được chủ quan trong xử lý. Sở TN-MT hướng dẫn cụ thể để các địa phương kịp thời điều chỉnh, thực hiện.

Trên lĩnh vực khoáng sản, đồng chí Lê Trí Thanh yêu cầu ngành TN-MT tập trung rà soát quy hoạch thăm dò đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác, đấu giá... đối với các khu vực khoáng sản. Công tác quản lý khai thác vật liệu xây dựng thông thường phải chặt chẽ, không dễ dãi tùy tiện trong cấp phép; xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện sai quy định, trái pháp luật trong khai thác khoáng sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên môi trường