Quảng Ngãi: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Thùy Minh|07/05/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước thực tế mùa nắng nóng năm nay được dự báo sẽ rất khốc liệt, nên lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động xây dựng các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Tại Quảng Ngãi, từ giữa tháng 4/2024 đến nay nắng nóng diễn ra gay gắt với mức nhiệt trên 38,5 độ C, cá biệt một số vùng núi huyện Ba Tơ có thời điểm nhiệt độ lên gần 42 độ C. Nắng nóng kéo dài đã làm cho các thảm thực bì ở các cánh rừng rơi vào tình trạng chết khô, cảnh báo cháy rừng đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

chua-chay-rung.jpg
Ảnh minh họa

Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lễ phát động “Toàn dân tham gia công tác PCCCR” và diễn tập tình huống ứng phó cháy rừng quy mô lớn, nguy cơ lan nhanh trên diện rộng năm 2024. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác PCCCR năm 2024. Theo đó, từ đầu tháng 4 đến nay, đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra công tác PCCCR tại các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Bình Sơn... Trong đó, tập trung kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCCR ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và chủ động các giải pháp phòng ngừa, ứng phó.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng cho biết, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra là do người dân chủ quan, bất cẩn trong việc xử lý thực bì sau khi khai thác rừng trồng (chủ yếu là cây keo). Vì vậy, điều cốt lõi vẫn là ý thức của người dân, chủ rừng. Hiện chỉ có những khu vực giáp ranh giữa rừng trồng với rừng phòng hộ, rừng tự nhiên mới có đường băng xanh cản lửa, còn các khu vực rừng trồng của người dân liền kề với nhau lại không có. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cháy lan, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí là tính mạng con người.

Để chủ động PCCCR, ngoài thành lập các tổ bảo vệ rừng 24/24 giờ, lực lượng chức năng còn gắn bảng nội quy tại các khu vực có khách du lịch đến tham quan, đặt bổ sung bảng cấm lửa ở các đường lộ ngoài bờ bao và trong rừng. Đồng thời, trang bị các thiết bị PCCCR phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng, nhằm đảm bảo công tác PCCCR trong các tình huống được tốt nhất. Mặc dù đã chủ động các phương án PCCCR, tuy nhiên, có nhiều diện tích rừng ở khu vực núi cao, hiểm trở nên khi xảy ra cháy rừng, công tác chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc chủ động PCCCR vẫn là điều tiên quyết.

Dự báo mùa nắng nóng năm nay sẽ kéo dài và khốc liệt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như có các biện pháp đối với các hành vi xâm hại đến rừng; nghiêm cấm việc mang lửa vào rừng. Đối với người dân, nhất là các chủ rừng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không xử lý thực bì trong thời điểm nắng nóng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng