Quảng Ngãi: Người dân cần được giám sát việc xả nước thải tại dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19

Chiến Thắng – Ngọc Hằng|07/04/2022 03:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng ngày 6/4, tại UBND huyện Bình Sơn đã diễn ra Buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cùng UBND huyện Bình Sơn tổ chức nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, tính hợp lý và khả thi đối với việc xả nước thải của dự án.

XEM VIDEO: Quảng Ngãi: Người dân cần được giám sát việc xả nước thải tại dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19

Nhà máy Bột – Giấy VNT19 là một trong những Nhà máy bột giấy lớn nhất Việt Nam. Đây là một dự án sản xuất bột giấy có quy mô lớn, mỗi năm sử dụng tới 550.000 tấn dăm gỗ khô nên đòi hỏi công tác xử lý nước thải, công nghệ xử lý ô nhiễm vô cùng nghiêm ngặt, phải đảm bảo chất lượng nước trước khi chính thức xả ra môi trường. Ngoài ra, Nhà máy Bột – Giấy VNT19 là dây chuyền công nghệ tiên tiến và phổ biến trên thế giới trong giai đoạn hiện nay, các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao.

Toàn cảnh Buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19

Buổi tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 có sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học như PGS.TS Trần Văn Quang – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ môi trường Đại học Đà Nẵng, ông Lê Quang Thích – Nguyên Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi, ông Trần Đông Phong – Giảng viên Trường Đại học xây dựng Hà Nội; Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam; Đại diện lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và các ngành đoàn thể, thôn xóm thuộc các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19.

Tại buổi tư vấn, phản biện, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định, Dự án đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục đánh giá tác động môi trường; tiếp thu, thực hiện theo các yêu cầu của các cơ quan chức năng về bổ sung phương pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố đảm bảo an toàn cho môi trường khi nhà máy vận hành.

Hội nghị tư vấn, phản biện do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Bình Sơn đồng tổ chức

Dự án thực hiện thiết kế xây dựng tuyến ống thoát nước đúng yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt đường ống đảm bảo về độ nghiêng và chịu lực; thiết kế các van sự cố trên tuyến ống để dễ dàng đóng, ngắt kịp thời; lập hành lang an toàn cho tuyến ống thoát nước thải (có hàng rào bảo vệ công trình).

“Việc lựa chọn phương án vị trí xả thải cách bờ 1.000m tại vịnh Việt Thanh với công nghệ xả thải phân tán là phù hợp nhất cho Nhà máy Bột – Giấy VNT19, cũng phù hợp Quyết định phê duyệt ĐTM 2270/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (vị trí cách bờ biển từ 500 – 1.500m)”, ông Lê Quang Thích – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Ngãi cho biết.

Tuy nhiên, tại buổi tư vấn, phản biện đã nêu ra nhiều ý kiến, vấn đề được đặt ra, cân nhắc trước khi Nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Th.S Trần Đông Phong – Tổng Thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam nêu ý kiến về công tác nâng cao chất lượng nước để giảm thiểu tác động tối đa nhất tới môi trường

Ông Trần Đông Phong – Giảng viên Trường Đại học xây dựng Hà Nội, Tổng thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã nêu những lưu ý trong công tác nâng cấp dung tích hồ chứa để đảm bảo không xảy ra những vấn đề đáng tiếc, ông cho rằng: “Ban quản lý dự án cần quan tâm chất lượng nước thải khi chính thức xả vào vịnh Việt Thanh, việc này phải được người dân giám sát để người dân yên tâm. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế xả thải của nhà máy là 50.000 m3/ngày đêm, tuy nhiên dung tích chứa của hồ sinh học chỉ có 25.000 m3/ngày đêm. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng nước xả sau xử lý sẽ luôn chảy tràn. Trong khi bình thường nước thải sẽ được tích trong hồ ổn định và cá nuôi kiểm chứng trong đó không bị ảnh hưởng. Do đó, cần kiểm tra lại để việc xả thải đảm bảo 50.000 m3/ngày đêm như thiết kế”.

Đại diện các xã chịu ảnh hưởng bởi dự án đều đồng ý với việc cần thanh, kiểm tra công tác xử lý vận hành Nhà máy xử lý nước thải thường xuyên và mong muốn phía doanh nghiệp, chính quyền huyện, tỉnh có thể cho phép người dân, cán bộ chuyên trách ở địa phương có thể trực tiếp theo dõi, giám sát, vận hành khu xử lý nước thải để khi có sự cố có thể kịp thời phát hiện, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, phía đại diện các xã cũng đề cập tới vấn đề sai phạm nếu xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về ai, hồ sinh học và hồ kiểm chứng của nhà máy cần phải làm lớn hơn so với lượng nước thải dự kiến mỗi ngày; việc xả thải có ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ động thực vật vùng biển này không.

Ông Đỗ Thiết Khiêm – Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Bình Sơn cho biết: “Cử tri các xã, đặc biệt là xã Bình Trị (nơi có tuyến ống xả thải và điểm xả thải) có nhiều ý kiến trái chiều về việc này; chúng tôi nhận thấy ý kiến của cử tri là xác đáng. Chính vì vậy mà Huyện uỷ, Ban thường vụ huyện uỷ đặc biệt quan tâm, theo dõi để có chỉ đạo kịp thời. “Lãnh đạo huyện cơ bản thống nhất với phương án xả thải nhưng cần phải được kiểm soát, quản lý môi trường chặt chẽ, hệ thống thiết bị cần phải mới 100% như cam kết. Đề nghị ban quản lý nhà máy cần phải tiếp thu, bổ sung theo ý kiến tư vấn phản biện tại hội thảo này trước khi lấy ý kiến của người dân lần cuối. Đồng thời, các đơn vị thuộc huyện cần phải công khai thông tin liên quan dự án cho người dân nắm bắt”, ông Khiêm đề nghị.

Ông Lê Văn Dũng – Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Khu Kinh Tế Dung Quất chia sẻ những quan điểm về công tác triển khai dự án xử lý nước thải tại Nhà máy Bột – Giấy VNT19

Tại buổi tư vấn, phản biện, ông Lê Văn Dũng – Nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cũng đã nêu lên những vấn đề mà dư luận quan tâm, vào thời điểm Nhà máy xin điều chỉnh hướng điểm từ xả thải ra sông Trà Bồng sang phía Vịnh Việt Thanh vì việc thay đổi đó tốn kém hơn nhiều.

“Nếu Nhà máy VNT19 xử lý đầu ra đạt chuẩn thì xả ra sông Trà Bồng cũng chảy ra biển mà xả ra vịnh Việt Thanh cũng ra biển. Vấn đề là xả ra sông người dân có thể quan sát trực quan được qua màu sắc, mùi vị, hiện tượng cá chết …. Xả ra biển ở độ sâu -18,5m (cách bờ 1km) thì bị hoà tan nhờ dòng chảy biển và ít người quan sát được”, ông Dũng thông tin thêm.

Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi sau đó cũng đã đề xuất, đối với cơ quan nhà nước cần phải hướng dẫn, góp ý, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty CP Bột – Giấy VNT19 tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy đúng các quy định hiện hành và sớm đi vào hoạt động. Trước sự phát triển nhanh của Khu kinh tế Dung Quất, vịnh Việt Thanh sẽ phải đón nhận nhiều nguồn nước thải từ tàu thuyền, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, nước sinh hoạt dân cư, nước mặt, một số nhà máy công nghiệp….Do đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án đánh giá tác động môi trường tổng hợp đối với vịnh Việt Thanh để đánh giá mức độ ô nhiễm so với nền chất lượng biển hiện trạng (lấy kết quả quan trắc thời gian qua) và so sánh với QCVN 10-MT/2015/BTNMT về chất lượng nước biển ven bờ; đánh giá khả năng và thời gian làm sạch của khu vực biển dự kiến xả thải; đánh giá khả năng tác động đến nền thủy sinh hiện trạng của khu vực xả thải; nghiên cứu rà soát điều chỉnh, thống nhất việc đánh giá các chỉ số ở tầng nước mặt.

Đại diện lãnh đạo của những xã trực tiếp chịu tác động từ Nhà máy Bột – Giấy VNT19 kiến nghị với chính quyền và doanh nghiệp về gia tăng công tác quản lý, giám sát của người dân khi nhà máy xử lý nước thải đi vào vận hành

Còn đối với Công ty, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng nhấn mạnh: “Để nhà máy sớm đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đề nghị Công ty CP Nhà máy Bột – Giấy VNT19 xem xét, cân nhắc lựa chọn, cam kết, thực hiện và lưu ý một số nội dung chủ yếu như việc lựa chọn một trong hai phương án hoặc thực hiện tốt xử lý mùi tại khu vực xử lý nước thải nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn 30 mét theo QCVN 01/2021/BXD hoặc bố trí lại hồ điều hòa về phía Bắc-Tây-Bắc Nhà máy nhằm mục đích đảm bảo khoảng cách an toàn 250 mét theo QCVN 01/2021/BXD. Đồng thời cam kết lộ trình đầu tư nâng cấp để tiến tới xử lý nước thải đạt các chỉ tiêu nước thải sau xử lý đạt cột A của QCVN 12-MT/2015/BTNMT trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trực tuyến và định kỳ theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Vận hành quy trình hệ thống xử lý nước thải và xả thải phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong ĐTM đã phê duyệt. Khi Nhà máy đi vào hoạt động, Công ty CP sản xuất Bột-Giấy VNT-19 cần phải chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chủ động công tác phòng chống, ứng phó, xử lý sự cố môi trường với những kịch bản xử lý mang tính khoa học và thực tiễn.

Chiến Thắng – Ngọc Hằng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Người dân cần được giám sát việc xả nước thải tại dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.